Nhận định với BBC Tiếng Việt về vụ án Đồng Tâm, luật sư Lê Văn Hòa, người bào chữa cho 4 người dân đang bị bắt giữ, nhận định “đây là một vụ án để lại một nỗi đau cho dân tộc Việt Nam, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai”.
Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm liên quan tới vụ đụng độ với công an rạng sáng 2 Tháng Một, dự kiến sẽ kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 7 Tháng Chín, 2020. Chia sẻ với BBC Tiếng Việt trước phiên toà, luật sư Lê Văn Hoà cho rằng:
“Đáng lẽ cơ quan chức năng không phải đẩy nó đến một kết cục đáng buồn, với bốn người chết, trong đó một người dân và ba công an, để lại hậu quả rất nặng nề.”
Theo luật sư Lê Văn Hoà, theo luật pháp thì phiên toà xét xử nông dân Đồng Tâm là công khai, nghĩa là về lý thuyết thì bất cứ công dân nào quan tâm cũng có quyền tham dự. Tuy nhiên, luật sư Hoà cho rằng chính quyền sẽ tổ chức kiểm soát chặt chẽ, sẽ chỉ những người được triệu tập mới được tham dự, trong đó chưa chắc bao gồm thân nhân các bị cáo.
Luật sư Hòa chia sẻ thêm, ông bị cơ quan chức năng gây khó dễ trong việc tiếp xúc với các thân chủ và tiếp cận hồ sơ, phải trải qua nhiều lần gửi đơn kiến nghị thì mới được đáp ứng phần nào.
Trong khi đó, một luật sư khác bào chữa cho người dân Đồng Tâm là luật sư Ngô Anh Tuấn cũng phản ánh việc bị nhà cầm quyền gây khó khăn từ khi làm thủ tục đăng ký bào chữa, hạn chế trong việc tiếp xúc bị can trong trại tạm giam, đến việc bị gây khó trong việc tiếp cận, sao chụp hồ sơ…
Nhận định trước phiên xét xử, luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng đây sẽ là một vụ án khó khăn cho tất cả các bên. Trong khi đó, luật sư Lê Văn Hoà thì kỳ vọng vào sự “hồi tâm chuyển ý” của lãnh đạo Đảng Cộng Sản.
“Tôi hi vọng những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan chức năng nếu có sự cầu thị đặc biệt thì có thể hé mở một kết quả nào đó để góp phần hàn gắn, xoa dịu tình hình. Nhưng tôi không biết điều đó có xảy ra được không,” luật sư Hòa chia sẻ.
Vụ đụng độ đẫm máu tại Đồng Tâm xuất phát từ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Các quan chức cộng sản đã phớt lờ đề nghị được đối thoại của người dân địa phương, cũng không đưa vụ tranh chấp ra toà án phân xử, họ điều động hàng nghìn CSCĐ vũ trang tấn công thôn Hoành lúc rạng sáng và sát hại cụ Lê Đình Kình – một lãnh đạo tinh thần của người dân.
Phía công an cáo buộc người dân địa phương thiêu cháy 3 công an trong hố thông gió, tuy nhiên, nhà cầm quyền đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau về nguyên nhân 3 công an “té giếng”, khiến cộng đồng nghi ngờ cáo buộc nêu trên là dàn dựng.