Facebook và YouTube đang “đồng lõa” với Việt Nam trong việc “kiểm duyệt và trấn áp trên quy mô công nghiệp,” theo một báo cáo mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trong đó cáo buộc các công ty công nghệ khổng lồ này cho phép mình trở thành “những công cụ của các quan chức Việt Nam” và trước mong muốn của các chế độ độc tài.
Báo cáo dài 78 trang của tổ chức có trụ sở ở London của Anh, ghi lại sự “trấn áp có hệ thống” lên sự biểu đạt ôn hòa trên mạng ở Việt Nam, dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhà bảo vệ nhân quyền và những nhà hoạt động, bao gồm cựu tù nhân lương tâm, luật sư, nhà báo và nhà văn, cùng với các thông tin do Facebook và Google cung cấp.
“Trong thập kỷ vừa qua, quyền tự do biểu đạt đã nở rộ trên Facebook và YouTube ở Việt Nam,” Phó Giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Amnesty, Ming Yu Hah, nói trong một thông cáo của tổ chức này hôm 1/12 về báo cáo kể trên. “Tuy nhiên, gần đây nhà chức trách đã bắt đầu tập trung vào việc coi sự biểu đạt ôn hoà trên mạng là một mối hiểm họa hiện hữu đối với chế độ.”
Đại diện của Tổ chức Ân xá cho rằng những diễn đàn này ngày nay “đã trở thành những nơi săn lùng của các nhà kiểm duyệt, quân đội trên không gian mạng và những ‘dư luận viên’ do nhà nước bảo trợ.” Theo bà Ming, các nền tảng này “không chỉ đơn thuần để điều đó xảy ra – họ đang ngày càng đồng lõa.”
Việt Nam, với dân số 96 triệu người, là một thị trường “béo bở” cho cả Facebook và Google, công ty đang sở hữu YouTube. Năm 2018, Facebook ghi nhận doanh thu gần 1 tỷ USD – chiếm khoảng 1/3 doanh thu của mạng xã hội khổng lồ Mỹ ở Đông Nam Á. Trong khi đó Google thu được 475 triệu USD trong cùng thời gian này nhờ vào quảng cáo trên Youtube ở Việt Nam.
“Facebook cho đến nay là nền tảng phổ biến và kiếm lợi nhiều nhất ở Việt Nam,” theo phó giám đốc khu vực của Amnesty. “Các doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền dù họ hoạt động ở đâu trên thế giới, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.”
Trong nửa đầu năm 2020, Facebook đã tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế 834 đăng tải. Bác cáo minh bạch bán niên của Facebook cho biết con số này là một bước nhảy vọt so với 121 đăng tải mà công ty mạng xã hội có trụ sở ở California đã gỡ xuống theo yêu cầu của Hà Nội trong cùng khoảng thời gian 6 tháng vào năm ngoái.
Theo Tổ chức Ân xá, sự gia tăng kiểm duyệt này của Facebook một phần do nỗ lực của chính quyền Việt Nam nhằm “bịt miệng” mọi cuộc thảo luận về vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, một xung đột gay gắt về quyết định của quân đội trong việc xây dựng một sân bay trên khu đất mà người dân làng này tuyên bố thuộc sở hữu của họ.
Hồi tháng Tư, theo Reuters cho biết, Facebook đã đồng ý tăng cường tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt từ chính phủ Việt Nam sau khi công ty này bị chính quyền cố ý làm chậm lượng truy cập bằng cách “cắt mạng, bóp băng thông.” Tháng Tám vừa qua, Việt Nam lại một lần nữa yêu cầu Facebook siết chặt kiểm duyệt hơn nữa để hạn chế các đăng tải “có tính phê bình.” Tổ chức Ân xá cho rằng quyết định này có thể “gây ra hậu quả toàn cầu sâu rộng” vì các chính phủ đàn áp khác có thể áp dụng các chiến lược tương tự.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói tại một buổi chất vấn ở quốc hội rằng Facebook và Google đã tăng tỷ lệ chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, với việc thực hiện lần lượt khoảng 70% và 85% trong số 100 yêu cầu của chính quyền Hà Nội.
Mark Zuckerberg, người sáng lập và điều hành Facebook, trong một buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm 17 tháng Mười Một thừa nhận rằng công ty của ông đã “tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia khác nhau” mà họ hoạt động. Ông Zuckerberg bị Thượng nghị sỹ Mỹ Marsha Blackburn cáo buộc “ưu tiên lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.
Bất chấp những cải cách kinh tế lớn và sâu rộng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản cầm quyến vẫn giữ một sự kiểm soát chặt chẽ đối với các phương tiện truyền thông và hạn chế nghiêm ngặt không gian cho các ý kiến bất đồng và tự do ngôn luận. Việt Nam xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2020.
Tổ chức Ân xá cũng cho biết trong báo cáo đề ngày 30 tháng Mười Một rằng Việt Nam hiện đang “giam giữ 170 tù nhân lương tâm, với 69 người trong đó đang bị cầm tù chỉ vì hoạt động ôn hòa của họ trên mạng xã hội.” Con số này, theo Amnesty, là một sự tăng cao đáng kể so với số lượng tù nhân lương tâm mà tổ chức này ước tính bị giam giữ trong năm 2018 ở Việt Nam và là con số kỷ lục mà Tổ chức Ân xá ghi nhận được ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn nói rằng “không có cái gọi là tù nhân lương tâm” ở Việt Nam và chính quyền “chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật mà thôi.”
Theo báo cáo của Amnesty, các nhà hoạt động trong nước báo cáo hành vi quấy rối trên mạng xã hội và ngoài đời thực. Ngoài những lời đe doạ bị bỏ tù, những người bảo vệ nhân quyền cho Tổ chức Ân xá biết họ đã bị cảnh sát “đánh đập” và bị “tấn công” bởi các nhóm không xác định. Trên mạng, họ phải đối mặt với sự quấy rối của những “kẻ xấu ủng hộ chính phủ” được cho là Lực lượng 47 của Việt Nam, gồm khoảng 10.000 “dư luận viên” thuộc nhóm tình nguyện “đấu tranh trên không gian mạng” để “phản bác quan điểm” mà chính quyền cho là “sai trái.”
Tổ chức Ân xá nói trong báo cáo rằng các công ty mạng khổng lồ của Mỹ đã không nỗ lực đầy đủ để kháng cự lại áp lực từ chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các nội dung đăng tải. Phó giám đốc khu vực của Amnesty, Ming, cho rằng “tiền lệ được đặt ra bởi sự đồng lõa này là một đòn giáng nặng nề lên quyền tự do ngôn luận trên toàn thế giới.”