Các tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế và cả Liên minh châu Âu đồng loạt lên tiếng yêu cầu Việt Nam chấm đứt đàn áp nhân quyền và trả tự do cho các nhà báo độc lập trước thềm Đại hội Đảng XIII.
Hôm 22/1, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng “cuộc đàn áp của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến không ngừng diễn ra trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 25/1.”
Ông John Sifton, Giám đốc châu Á của HRW cho biết: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng của mình trong khi bắt giam người dân chỉ vì họ đăng tải quan điểm và ý kiến trên Facebook, điều mà hàng triệu người trên toàn thế giới làm mỗi ngày.”
“Với khẩu lệnh tuyên truyền ‘kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc,’ chính phủ Việt Nam thực ra chỉ quan tâm đến sự bịt miệng và buộc người dân phục tùng.”
Cũng trong thông cáo của HRW, tổ chức này cho biết vào ngày 20/1, chính quyền ở tỉnh Hậu Giang đã xử phạt nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thủy 7 năm tù vì các bài viết chỉ trích đảng và chính quyền đăng trên Facebook. Bà Thủy bị bắt vào tháng 4/2020 với tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ngay trước phiên xử bà Thủy, ông Sifton viết trên Twitter: “Có lẽ, phiên tòa hôm nay sẽ giống như nhiều phiên tòa khác trước đó: một nghi thức chiếu lệ trong đó tòa án định sẵn tội của bị cáo, không phải tòa án độc lập mà do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát.”
Từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, ông Đinh Văn Minh, cha của bà Đinh Thị Thu Thủy, nói với VOA:
“Đây là bản án quá nặng nề đối với con gái tôi. Họ quy chụp quá lố. Các luật sư đã ra sức tranh cãi mà tòa án không hề cứu xét gì.
“Những điều như chống phá cách mạng, chống phá nhà nước, làm khủng hoảng, hoang mang tư tưởng nhân dân, thiệt hại cho nhà nước… là những điều vô căn cứ.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 20/1 kêu gọi nhà chức trách Việt Nam phải chấm dứt hành động tấn công đàn áp liên tục đối với những người bảo vệ nhân quyền và các cá nhân thực thi quyền con người của họ về quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa trước thềm Đại hội XIII.
Bà Yamini Mishra, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế phát biểu: “Việc chính quyền Việt Nam không khoan dung đối với giới bất đồng chính kiến ôn hòa đã lên đến đỉnh điểm khi giới lãnh đạo sắp mãn nhiệm. Đại hội này là dịp các nhà lãnh đạo quốc gia mới của Việt Nam có cơ hội vô giá để thay đổi hướng đi về nhân quyền.”
HRW và Ân xá Quốc tế cũng nhắc lại bản án nặng nề đối với ba nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, 15 năm tù; Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người 11 năm tù mà chính quyền Việt Nam tuyên hôm 5/1.
Bà Mishra nhận định: “Những bản án phiến diện này cho thấy cách tiếp cận không khoan nhượng của nhà cầm quyền Việt Nam đối với bất đồng chính kiến. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trong khu vực mà mỗi một nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo, blogger hoặc nhà hoạt động chính trị phải đối mặt.”
Hôm 21/1, Nghị Viện Âu Châu thông qua một nghị quyết yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do cho 3 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Nghị quyết được thông qua với 592 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Đây được xem là biện pháp mạnh nhất của EU từ trước tới nay khi áp lực từ các quốc gia thành viên trong khối ngày tăng trước lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền leo thang tại Việt Nam.
“Các nghị sĩ nhắc lại rằng việc tôn trọng nhân quyền cấu thành một nền tảng quan trọng cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và là một yếu tố chủ đạo trong Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA),” thông cáo của EU hôm 21/1 cho biết.
Nghị viện châu Âu kêu gọi tất cả các bên liên quan tận dụng các hiệp định hiện có giữa EU và Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền của nước này.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA trước đây, Luật sư Nguyễn Văn Miếng lặp lại phát biểu của ông Phạm Chí Dũng trước tòa, nói:
“Cuối phiên tòa ông Phạm Chí Dũng nói rằng nếu ông bị kết án với mức án nặng nề là việc vi phạm trắng trợn quyền tự do về báo chí, cũng như các quyền về dân chủ và nhân quyền khác ở Việt Nam, và sẽ bất lợi cho mối bang giao giữa Việt Nam và các nước khác trong giai đoạn hiện nay.”
Trong nghị quyết của Nghị viện EU, ngoài việc yêu cầu trả tự do lập tức và vô điều kiện cho ba thành viên của IJAVN, các nghị sĩ còn yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do, và xóa án đối với tất cả những người đang bị giam cầm và bị kết án chỉ vì đã thực hiện quyền bày tỏ tự do ngôn luận.
Nguồn: VOA