Người ngoại đạo thì cho rằng, ngoại giao Việt Nam thấp mưu qua vụ tiếp đón Phó Tổng thống Kamala Harris. Thật ra, Việt Nam biết chính quyền Biden lúc này cần gì, nhưng vì ở vào thế không thể “kháng chỉ thiên triều” nên đành “đánh trống lảng” yêu cầu thiết yếu trong chuyến thăm của bà Harris. Dù hai bên đã đạt được nhiều thoả thuận, nhưng nếu Việt Nam cứ tiếp tục chính sách đu dây như hiện nay, liệu các cơ hội đang tới có trở thành thách thức trong kỷ nguyên mới?
Trung Quốc đe nẹt Việt Nam
Tất cả báo chí bên nhà được lệnh đăng lại thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao, theo đó, “trong không khí cởi mở và hiểu biết lẫn nhau”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam ở Trụ sở chính phủ chiều 24/8/2021. Nhưng phần nội dung đặt cuối thông cáo mới là phần chìm của tảng băng. Đại sứ Hùng Ba tuyên bố (Trích nguyên văn): “Trung Quốc sẵn sàng phối hợp, sớm hoàn tất một số dự án hợp tác trọng điểm, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông”. Cuối buổi, Hùng Ba còn “bồi” thêm một lời hứa: “Sẽ cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề…” [1]. Hùng Ba đã thực thi được sứ mệnh “bêu xấu” Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế bằng việc ép Thủ tướng Việt Nam phải tiếp y và ra tuyên bố làm giảm ý nghĩa chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ.
Người tinh ý phải đặt ngay câu hỏi, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,5 km, được khởi công từ tháng 10/2011, gấp gáp gì mà Hùng Ba phải gõ cửa Phạm Minh Chính vào đúng lúc Thủ tướng đang công việc lút đầu, chuẩn bị đón quốc khách? Đây chính là tuyến số 2A được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc. Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là hơn 13.800 tỷ đồng (669,62 triệu USD). Sau 8 lần điều chỉnh, vỡ tiến độ, đội vốn 200%, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Giới chuyên môn đánh giá, thật mỉa mai khi Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lại cho rằng, đấy là biểu trưng của tình hữu nghị Việt – Trung. Thật ra, đây là cái vòng kim cô để Trung Quốc khống chế, tạo ra vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam, là những người phải đóng thuế để trả cho cái tình hữu nghị ấy [2]
Điều lãnh đạo Việt Nam sợ nhất trong vụ đường sắt Cát Linh là Trung Quốc có thể cho công khai những khoản hối lộ khổng lồ dẫn đến vỡ tiến độ dự án, cũng như nguyên nhân thật sự đằng sau việc tại sao đến nay vẫn chưa xác định được thời gian cụ thể đi vào khai thác thương mại. Theo TS. Lê Dăng Doanh, Trung Quốc là “bậc thầy đút lót” bằng tiền tươi thóc thật để doanh nghiệp của họ được thắng thầu trong nhiều dự án. Còn theo ý kiến chuyên gia, việc thắng thầu ở những dự án khác của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đều như vậy cả. Nguồn tin am hiểu nội bộ giấu tên cho biết, Trung Quốc sẵn sàng lại quả tối thiểu 30% bằng “tiền tươi” [3]. Thử làm con tính đơn giản, mức thấp nhất, 30% của gần 700 triệu đô la nói trên sẽ liên luỵ đến bao nhiêu “lãnh đạo nguồn” suốt trong ngần ấy thời gian. Đúng là quá nguy hiểm, nếu như không giữ được ghế cho các đồng chí “phe mình” chưa bị lộ còn “nằm trong nhiều đống rơm”!
Đừng nghĩ quá xa đến các thoả thuận Thành Đô hay những thề thốt cấp cao “văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan…” giữa hai tập đoàn lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh! Cả hai đều thực dụng hơn mọi người tưởng nhiều. Nếu Việt Nam không “xử lý thoả đáng” các yêu cầu cụ thể của Trung Quốc trong dịp tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ nói riêng và toàn bộ chính sách “cận Mỹ giãn Trung” nói chung thì hậu quả thật khôn lường đối với đội ngũ lãnh đạo vừa tuyên thệ ở Hà Nội. Câu chuyện đường sắt Cát Linh chỉ là một trong những tối hậu thư lấy ra từ nhiều thế cờ, “rung cây doạ khỉ”, vốn đã được thiết kế sẵn để khi cần thì họ “thí” cả tốt lẫn xe. Cái gọi là “vận mệnh tương quan” nhiều lúc chẳng phải ý thức hệ gì cao siêu, càng không phải vì lợi ích quốc gia – dân tộc, đó chỉ là địa vị cá nhân, quyền lực và kim tiền của phe nhóm, thông qua các vụ hội lộ “khủng” mà Trung Quốc dùng để bắt chẹt các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu cứ chịu lép để cho Bắc Kinh đe nẹt một chiều thì chính lãnh đạo Việt Nam cũng rơi vào tình thế “sợ hãi kép”. Vừa chịu sức ép Trung Quốc tố cáo cầm tiền đút lót, nhưng mặt khác, lại sợ cả phản ứng của người dân lẫn các phe cánh đang kình chống mình. Trên thực tế, theo giới quan sát, Bắc Kinh lâu nay vẫn “lấp liếm” các vụ làm ăn khuất tất, cũng như xung đột trên Biển Đông và muốn dùng nhiều con bài để mặc cả, ép Hà Nội phải thoả hiệp. Nhưng Hà Nội càng nhún nhường thì Trung Quốc càng được nước, đến mức cả ban lãnh đạo Bắc Kinh lẫn Hà Nội cũng sợ luôn cả việc nếu ép “đàn em” quá mạnh, lãnh đạo Việt Nam có thể mất luôn tính chính danh trong con mắt người dân. Đấy là chưa nói, có khi họ bị chính các phe cánh trong đảng, cũng chỉ vì quyền và tiền, lật đổ dưới dạng các cuộc cách mạng cung đình. [4].
Tại sao Hà Nội bị “tê liệt”…
Không riêng gì Phạm Minh Chính, bất cứ lãnh đạo nào cũng đều như rắn gặp ếch, khi đối mặt với chính sách “thọc gậy bánh xe” của Tàu đối với quan hệ
Việt – Mỹ cũng như các chủ trương lớn khác liên quan đến nội trị hay ngoại giao. Bản thân Nguyễn Phú Trọng từ tháng 12/2015 khi đang lo chuẩn bị đại hội đã từng an ủi thuộc hạ: “Nếu để xảy ra đụng độ (với Trung Quốc) thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào? Chúng ta có thể ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không?” [5]. Đối với Nguyễn Phú Trọng, tổ chức đại hội đảng dĩ nhiên phải được ưu tiên cao hơn vấn đề độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ! Nhưng rồi bị dư luận xã hội lên án, trong lần tiếp xúc cử tri sáng 24/3/2021, Tổng bí thư, Chủ tịch nước buộc phải thú nhận, “có những sự cố xảy ra ở Biển Đông, quan hệ phía tây, phía tây nam xử lý hết sức tế nhị, hết sức phải khôn khéo…”. “Tế nhị” và “khôn khéo” liệu có giấu mãi được dân không? [6].
Trong thời gian ở thăm Việt Nam và Singapore (từ 22-26/8), Phó Tổng thống Harris đã hai lần lên án các hành động “cưỡng ép” và “hù dọa” của Bắc Kinh đối với các lân bang. Bà Harris đã đưa ra lời kêu gọi Việt Nam hãy cùng Mỹ chống lại những hành vi “bắt nạt” ấy của Trung Quốc. Bà Phó Tổng thống cũng không ngần ngại đơn phương kiến nghị nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện Mỹ – Việt lên đối tác chiến lược [7].https://www.youtube.com/embed/OW-HagcMsSA
Tiếc rằng, lời hiệu triệu mạnh mẽ của bà Harris như “đá ném ao bèo”. Lãnh đạo Việt Nam bị Trung Quốc vô hiệu hoá, đã đánh mất khả năng phản ứng trong thế cân bằng mong manh giữa cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ gay gắt hiện nay.
Trên thực tế, Trung Quốc đã làm cho lãnh đạo Việt Nam bị “tê liệt” theo hai cách. Thứ nhất, Bắc Kinh luôn giả vờ làm ra vẻ mối bất hòa về an ninh giữa hai quốc gia Trung – Việt là không đáng kể, nhằm giảm bớt sự hội tụ lợi ích giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về các vấn đề trên biển đảo cũng như trong khu vực. Trung Quốc luôn ép Việt Nam tuân thủ chính sách “bốn không” mà thực chất là nơi sinh ra “hội chứng ếch luộc”, bị đun nóng dần, đến độ sôi nhảy ra thì đã quá muộn. Thứ hai, Trung Quốc luôn nhấn mạnh các giá trị ý thức hệ, “lá nho” cộng đồng chung vận mệnh giữa ĐCSTQ với ĐCSVN, thường xuyên cảnh tỉnh Hà Nội về một “cuộc cách mạng màu” do Hoa Kỳ hậu thuẫn, trong nỗ lực giữ Việt Nam tránh xa các vận động nâng cấp bang giao của Hoa Kỳ. Việc xem xét những gì mà giới truyền thông và học giả Trung Quốc lu loa trong những năm gần đây cho thấy bản chất có chủ đích của chiến lược phá bĩnh này [8].
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thừa biết thời điểm bà Harris sang Hà Nội có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Hoa Kỳ. Nói cách khác, vì “loạn” ở Afganistan mà lẽ tự nhiên, Việt Nam được đẩy lên “mấy giá”. Nếu cao tay ấn, một mặt, Phạm Minh Chính cứ tiếp Hùng Ba trong trường hợp y ra tối hậu thư, mặt khác, là một quốc gia tự chủ, lãnh đạo Ba Đình hoàn toàn có thể tổ chức việc nghênh tiếp Phó Tổng thống Mỹ một cách xứng tầm. Ít nhất thì cũng xấp xỉ mức như quốc đảo Singapore thể hiện (Thủ tướng Lý Hiển Long đứng ra mời, hội đàm và họp báo chung với bà Harris). Cám cảnh thay, trước khi chuyến cơ rời Hà Nội, bà Harris buộc phải một mình tổ chức gặp gỡ báo giới ngay tại Đại sứ quán Hoa Kỳ. Tại đấy, bà Phó Tổng thống vẫn dành cho người dân Việt Nam những tình cảm nồng ấm và hẹn ngày tái ngộ. Bà rời Việt Nam mà không có cả thông cáo chung. Tuy vậy, bà vẫn mang về Mỹ niềm hi vọng chưa bao giờ tắt của người dân thường ở Sài Gòn, Hà Nội mà bà chưa có dịp gặp được họ do đại dịch Vũ Hán, về một tương lai tươi sáng cho quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam.
Mỹ không đặt Việt Nam vào thế khó
Người ngoại đạo thì cho rằng, Bộ chính trị Việt Nam vừa qua “thấp mưu thua trí thằng Tàu” trong vụ tiếp đón Phó Tổng thống Kamala Harris. Nhớ lại tháng 7/2015, lần đầu tiên và là lần duy nhất Tổng thống Mỹ tiếp Tổng bí thư ĐCSVN tại Phòng Bầu dục theo nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia (Dù bấy giờ Nguyễn Phú Trọng chưa ngồi ghế Chủ tịch nước). Ông Biden, Phó Tổng thống đứng ra tổ chức quốc yến. Còn cuối tháng 8/2021 vừa qua, khi Phó Tổng thống Mỹ sang Việt Nam thì Tổng Bí thư lặn mất tiêu, bà Harris rời Hà Nội không kèn không trống. Dư luận cho đấy là ngoại giao “củ chuối”, thô thiển và quái đản. Tuy nhiên, người trong cuộc thì hiểu rằng, hèn và đểu chỉ là bề nổi của tảng băng. Thừa biết chính quyền Biden cần gì, nhưng nếu “kháng chỉ thiên triều” hôm 24/8, lãnh đạo Ba Đình rất dễ bị mất cả chì lẫn chài.
Những trò tiểu xảo nói trên của Việt Nam dưới sức ép từ Bắc Kinh đều không làm người Mỹ phiền lòng. Buộc Hà Nội xử tệ với Phó Tổng thống Mỹ mà cánh Ba Đình vẫn tình nguyện “tuân chỉ”, nhưng người Mỹ không thèm chấp. Siêu cường Mỹ tư duy khoáng đạt và hết sức chiến lược. Biết lãnh đạo Việt Nam vì nhiều lý do, luôn phải dè chừng trước một Trung Quốc thô lậu và lang sói, Mỹ không đặt Việt Nam vào thế khó. Mỹ đã chuẩn bị “Kế hoạch hành động tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Mỹ – Việt” trên hầu hết mọi lĩnh vực, song phương và đa phương, trước khi bà Harris sang Hà Nội khá lâu. Không phải ngẫu nhiên, đúng vào sáng 25/8, trong khi bà Harris hội đàm với Nguyễn Xuân Phúc, lúc bấy giờ ở Mỹ mới là sáng 24/8, Nhà Trắng đã “tung chưởng” gỡ bí cho Hà Nội, công khai hoá toàn bộ “Kế hoạch hành động” nói trên. Văn bản này tiết lộ những thông báo và nội dung trao đổi của bà Kamala Harris tại Việt Nam, đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược của Mỹ về quan hệ với Việt Nam. [9].
“Kế hoạch hành động” này ngay từ đầu đã khẳng định, chuyến công du của Phó Tổng thống thể hiện cam kết sâu sắc của Hoa Kỳ không chỉ đối với khu vực, mà trước hết là đối với mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam. Trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Việt Nam, Phó Tổng thống Harris tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và độc lập, cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mạnh mẽ và tự cường. Tầm nhìn lâu dài của người Mỹ trong kế hoạch này hiển nhiên xuất phát từ lợi ích quốc gia. “Chúng tôi biết rằng việc duy trì và củng cố các mối quan hệ đối tác này có ý nghĩa sâu sắc đối với người dân Mỹ. Và đó là lý do tại sao, trong những năm tới, chúng tôi sẽ quay lại, hết lần này đến lần khác, khi chúng tôi tiếp tục và lập biểu đồ cho chương tiếp theo này trong mối quan hệ đối tác, đôi bên cùng có lợi” – Bà Harris tuyên bố trong cuộc họp báo.
Sự cộng hưởng chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam có thể còn kéo dài. Bà Harris nói với báo giới: “Tôi tin rằng chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của chương tiếp theo trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”. Nhưng kéo dài không có nghĩa là vĩnh viễn. Một khi quan hệ Mỹ – Trung đòi hỏi phải thoả hiệp như nó đã từng thoả hiệp trong lịch sử, thì cộng hưởng chiến lược Mỹ – Việt cũng sẽ thay đổi. Các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam chắc chắn phải thấy trước nguy cơ ấy. Vì vậy, thời gian để thực hiện “Kế hoạch hành động” nói trên là hữu hạn, họ sẽ phải hết sức tranh thủ thời cơ có một không hai. Phải trở thành một cường quốc tầm trung, Việt Nam mới đủ sức tồn tại và phát triển trong không gian Indo-Pacific để có thể đáp ứng những thách thức hiện tại và tương lai, cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ trong liên khu vực.
Việt Nam từng nhiều lần để các thời cơ thuận lợi tuột khỏi tay. Nếu cứ tiếp tục chính sách “ba không”, “bốn không”, liệu cơ hội có trở thành thách thức trong kỷ nguyên mới? Liệu Việt Nam lúc ấy có còn vị thế địa-chính trị như hiện nay để mà “tối ưu hoá” các lợi thế của mình nữa hay không?