Có nhiều lầm lẫn trong tranh luận về quyền Biểu tình.
1. “Chưa có luật về biểu tình nên biểu tình là bất hợp pháp?”
Khẳng định: Điều 25 của Hiến Pháp, 2013, của Việt Nam qui định rất rõ về quyền này của công dân. Đây là quyền hiến định. Không cần có luật thì quyền này của công dân vẫn phải được các cơ quan chấp pháp bảo hộ.
Các quyền hiến định là các quyền đương nhiên, ví dụ như Quyền Sống (điều 19), Quyền Đi Lại (điều 23), Quyền Nói (Tự do ngôn luận, điều 25). Gọi là tự nhiên vì không ai chờ đến có Luật Sống, Luật Đi, Luật Nói mới sống, mới đi, mới nói. Hay như Quyền Kết hôn (điều 36), thì trước khi có luật hôn nhân gia đình, con người cũng đã kết hôn với nhau từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Không ai bị bắt, bị gọi là phạm pháp khi sống, đi, kết hôn trước khi có luật cả. Tương tự không ai hỏi: có được sống không mày? Có được đi không mày? Chưa có luật sống, luật đi mà?
Các quyền cơ bản này cũng được ghi nhận trang trọng từ 1948 trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam cũng tham gia.
Việc Quốc hội VN chưa ban hành Luật là Quốc hội chưa hoàn thành trách nhiệm với công dân, chứ không phải công dân chưa có cơ sở pháp lý để tham gia biểu tình. Và luật là để giúp cho các quyền này được thực hiện ở bậc cao hơn chứ không phải là để chống lại hay hạn chế nó. Đây cũng là 1 lỗi nhận thức phổ biến. Ví dụ: quyền trẻ em là quyền hiến định, tự nhiên. Trước khi có luật bảo vệ trẻ em, thì trẻ em vẫn có quyền của mình (pháp luật vẫn bảo hộ) và kẻ nào ấu dâm hay hành hạ trẻ em vẫn bị trừng trị, nhưng khi chưa có luật thì trừng trị kẻ vi phạm sẽ khó khăn hơn. Luật ra đời là để bảo vệ quyền 1 cách hiệu quả hơn, chứ không phải chưa có luật thì quyền không được thực thi. Tương tự như vậy, quyền biểu tình vẫn luôn là hợp pháp và được thực thi dù chưa có luật. Luật (nếu có) ra đời là để bảo vệ quyền này không cho kẻ khác xâm phạm.
Biểu tình là 1 phương pháp ôn hòa của công dân để biểu thị chính kiến của mình – tán thành hay phản đối 1 vấn đề nào đó. Biểu tình thể hiện sự quan tâm của dân chúng đến các vấn đề xã hội, chính trị và là nguồn thông tin phản hồi tốt cho chính quyền và quốc hội.
2. “Biểu tình sẽ gây ra bạo động nên không thể và không nên cho phép biểu tình”
Đây là 1 nguỵ biện khá phổ biến, khi không phân biệt bản chất biểu tình ôn hoà của dân chúng là quyền hiến định không thể tranh cãi, với bạo động. Cần tách bạch rõ các khái niệm. Ở đâu biểu tình ôn hoà thì cần gọi tên chính xác là biểu tình; ở đâu bạo loạn thì gọi rõ là bạo loạn. Không thể mập mờ đánh tráo khái niệm. Tương tự, chạy xe máy, xe ô tô là quyền tự nhiên phải phân biệt với đua xe máy, xe ô tô trái phép trên đường phố, hay dùng xe phân khối cao để đi cướp. Ai cũng sẽ phì cười khi nghe lọai lập luận “cho chạy xe máy sẽ gây ra đua xe trái phép, cướp giựt, nên cần cấm chạy xe máy”. Hài!
Việc biểu tình ôn hoà của dân chúng nếu có luật chắc chắn sẽ giảm thiểu nguy cơ về bạo động, vì nó được đăng ký trước với chính quyền, được cảnh sát bảo vệ, được thông tin minh bạch, nên sẽ phân biệt dễ dàng giữa người biểu tình ôn hoà và các phần tử gây rối.
Chính vì mập mờ, không công nhận quyền hợp pháp của công chúng nên sự việc mới trở nên không kiểm soát được. Nguyên nhân của bạo động là ở đây chứ không nằm ở bản chất của biểu tình ôn hoà.
Khi đã phân biệt rõ được giữa biểu tình và bạo động, và hiểu rằng biểu tình là quyền cơ bản tự nhiên hợp pháp của công dân, thì kêu gọi biểu tình cũng là chuyện bình thường, hợp pháp. Nó cũng tương tự chuyện khi quốc hội ra 1 đạo luật thì cần vận động cư dân tán thành; thì công dân cũng có thể kêu gọi mọi người tán thành ý kiến của mình. Kêu gọi biểu tình khác với kêu gọi bạo động. Chính vì mơ hồ về khái niệm nên cái gì cũng trở nên rụt rè, nhạy cảm.
3. “Có nhiều cách để bày tỏ ý kiến như gửi thư, gọi điện cho đại biểu quốc hội… sao phải biểu tình?”
Loại ngụy biện này đã phân tích từ bài trước. Ở đây chỉ cho 2 ví dụ. “Có nhiều thứ để ăn như phở, bún, cháo…sao phải ăn cơm?”. Hài!
Một lý do khác cũng hay được viện dẫn khi nói đến nhân quyền, biểu tình, dân chủ là: “dân trí Việt Nam còn thấp nên chưa thể cho biểu tình…”. Lập luận này, một ngụy biện điển hình, có hai vấn đề: 1) dân trí là khái niệm không rõ ràng và (chưa) không đo lường được, và 2) mối quan hệ nhân quả: phải có “dân trí” cao mới được “biểu tình”, chưa có cơ sở lý luận hay thực tiễn.
Cụ thể, khái niệm dân trí mình chưa tìm thấy bất cứ nghiên cứu nào của VN và thế giới đo lường khái niệm này. Các khái niệm gần gần là Human development index, education index. Dùng 1 khái niệm chưa tường minh để lập luận thì lập luận đó không có cơ sở.
Tương tự, ai, nghiên cứu nào nói rằng dân trí là điều kiện cần để cho phép dân chủ hay thực thi quyền biểu tình? Nếu chỉ lập luận (suông) thì cũng có thể lập luận ngược lại rằng: chính nhờ dân chủ và thực thi quyền của mình mà dân trí của quốc gia gia tăng. Trên phương diện lịch sử thì biểu tình đã được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới từ rất xa xưa. Lý thú là, 13/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31 về Biểu tình còn trước cả Tuyên Ngôn Nhân quyền của LHQ 1948.
Chỉ thử kiểm tra ở bậc khái niệm và liên kết giữa các thành phần trong lập luận đã thấy rất nhiều lỗ hổng, nhưng nó đang được dùng phổ biến trong xã hội, trên báo chí. Và mình lo rằng đó chính là lý do tại sao, các tranh luận của chúng ta có chất lượng thấp và đầy ngụy biện như thế.
Đình công là một hình thức đấu tranh rất bình thường để đòi quyền lợi chính đáng cho công nhân vậy mà tác giả bài báo lại đòi: “Nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu.”
Động cơ xấu gì? Lương không tương xứng với công sức bỏ ra thì công nhân phải đấu tranh, trước khi đình công, họ cũng phải cân nhắc hơn thiệt. Không đấu tranh tập thể mà đấu tranh đơn lẻ thì làm sao có được sức mạnh chung?
Công đoàn đáng nhẽ là do công nhân bầu ra, nhưng ở Việt Nam công đoàn là do giới chủ và chính quyền đặt ra, thay vì đấu tranh cho quyền lợi công nhân thì cũng vào hùa với giới chủ để đặt gông lên người lao động.
Báo Lao Động là báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáng nhẽ phải bênh quyền lợi của công nhân nhưng đăng một bài báo như thế này thì cũng chỉ là một công cụ để bắt nạt công nhân mà thôi.
Nói như cậu phóng viên này thì đơn giản quá: “Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước sẽ xử lý. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, công nhân có thể phản ánh, kiến nghị, khởi kiện. Hoặc đơn giản nếu thấy không thích, có nơi làm việc khác tốt hơn, thì công nhân có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.”
Thử hỏi người công nhân lấy tiền đâu, thời gian đâu để phản ánh hay khởi kiện cái sai của doanh nghiệp. Khởi kiện được hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để tìm công ty khác thì con cái của họ chắc chết đói cả rồi.
Cậu phóng viên viết thế này là có ý chụp mũ cho những người vận động đình công là vi phạm pháp luật, như vậy là không công bằng. Đình công là một hình thức đấu tranh dân sự rất phổ biến, tại sao lại nâng lên thành một hành động vi phạm pháp luật?
Một bài báo tử tế là phải phỏng vấn hai chiều, hỏi công nhân tại sao đình công? Rồi phỏng vấn chủ doanh nghiệp để có hướng giải quyết, có câu trả lời cho công luận. Đằng này chỉ phán mấy câu chụp mũ xanh rờn, không hề có thông tin gì.
Nói đúng thì cả bài báo chỉ là một câu doạ dẫm.
Hãy tự vấn lương tâm của mình trước khi viết. Viết để làm gì, viết có đúng không? Viết thế có ảnh hưởng đến quyền lợi của ai không? Có công bằng không? Có tác dụng khai trí cho người dân không?
Và không chỉ là vấn đề của một phóng viên, của một bài báo. Xin hỏi vị tổng biên tập của báo Lao Động có cảm thấy bài báo này đúng đắn không?
P.S:
Đây là phần cmt của bạn Cam Ha:
Chương 19 của Hiệp đinh CPTPP mà Việt Nam tham gia quy định rõ: Mỗi Bên (gồm Việt Nam) sẽ thông qua, duy trì và thực hiện các đạo luật và quy định những quyền sau đây:
(a) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể;
(b) chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc;
(c) loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất;
(d) chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp;
Các cuộc đình công gần đây là một biểu hiện cụ thể của quyền thương lượng tập thể (quyền a) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện. Tác giả bài báo chưa tìm hiểu kỹ nên đã chụp mũ việc thương lượng tập thể là có động cơ xấu, đi ngược lại với những cam kết do Chính phủ đưa ra. Người bị tổn hại thanh danh là Chính phủ ạ, chứ người lao động vất vả lắm, họ chẳng có thời gian đọc báo.
Tham khảo: Báo Lao Động với tiêu đề, Nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu