Chị Đoàn Thị Hồng, thành viên của nhóm Hiến Pháp, mãn án tù ngày 9 tháng 3 lên tiếng báo động về trình trạng sức khỏe của Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Ngọc Sương.
Theo lời kể của chị Đoàn thị Hồng thì TNLT Nguyễn Thị Ngọc Sương đang thụ án tại trại giam An Phước lâu nay không được điều trị đúng mức dù bệnh nặng.
Chị thuật lại với Đài Á Châu Tự Do:
“Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương ở chung đội với em. Hiện tại chị Sương bệnh rất là nặng, da chị rất bị vàng và mặt và chân chị bị sưng, lúc thì dẹp lúc thì sưng. Chị bệnh một năm mấy nay rồi chỉ cho chị đi khám một lần. Lúc em gần về thì em có nói với cán bộ đề xuất cho chị đi khám bệnh viện lớn, ở thành phố, thì cán bộ nói là thứ nhất, do dịch nên không đi được và thứ hai là do gần Tết nên cán bộ rất bận không đi được.”
Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Ngọc Sương, 53 tuổi, bị giam từ tháng 10 năm 2018. Một năm sau, bà bị tuyên án 5 năm tù về cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.
Chị Hồng cho biết thêm:
“Ăn Tết xong thì có lẽ cán bộ biết em gần về đời rồi, cán bộ sợ em nói thông tin này ra. Ngày 9 tháng 3 em về thì mùng 8 tháng 3 họ bốc chị Sương đi khám bệnh ở tỉnh Bình Phước. Nhưng khám về rồi thì không nói chị có bệnh gì mà cứ cho uống thuốc ở bên trạm y tế. Không phải là thuốc đặc trị mà thuốc gì đó. Và hiện tại da của chị rất là vàng và hai con mắt của chị bị sưng, chân cũng sưng. Hai môi của chị bị sưng, tiếng nói không có rõ ràng nữa và cái cổ của chị bị mọc bướu”.
Chị cho biết, bà Sương vốn đã bị bệnh gan và thận.
“Nói chung là chị Sương bệnh rất nặng, mà mình nói ra thì sợ bị cho là trù ẻo người ta. Em nghĩ là chị Sương không biết có về nổi hay không.”
Cùng thời gian với chị Đoàn thị Hồng và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương có khoảng một chục nữ tù chính trị bị giam ở trại An Phước, Bình Dương. Đội này được gọi là “đội an ninh quốc gia”.
“Rất là nhiều, có chị Dung nè, chị Dung nhỏ, chị Dung lớn, chị Vang cùng phòng ngủ với em. Khoảng 10 người”…
Những người này trước đây lao động trong trại giam, nhưng cô Hồng kể lại từ sau Tết, đội bị xuất ra ngoài hội trường lao động ngoài nắng chang chang, mùi hôi, làm việc cực nhọc khiến bà Sương ăn cơm không nổi.
Tuy có gia đình đi thăm thường xuyên nhưng các nữ TNLT cảm thấy họ không được thế giới bên ngoài quan tâm. Chị Hồng kế:
“Trước khi em về mấy chị có nhắn nhủ với em là tâm tư nguyện vọng của mấy chị là muốn nhân quyền và Đại sứ quán vô thăm, quan tâm đến mấy chị. Bởi vì hiện tại, gia đình không để cho mấy chị cô đơn, nhưng mấy chị nghĩ là bên nhân quyền với Đại Sứ quán không quan tâm đến mấy chị. Nói chung mấy chị tủi thân. Mấy chị cũng muốn có một sự quan tâm bên nhân quyền để hỏi thăm mấy chị. ”.
Theo lời kể của những tù nhân sau khi được ra khỏi nơi giam giữ, tình trạng trong lao tù Việt Nam, nhất là đối với các tù chính trị đặc biệt khắt khe. Họ phải chịu từ tra tấn, hăm dọa đến biện pháp trừng phạt như không cho gặp luật sư, gia đình hoặc không cho phép tù nhân được khám bệnh.
Bà Grace Bùi, thành viên vận động của tổ chức The 88 Project, cho biết người cai tù dùng các chiến thuật đó để buộc tù nhân làm theo ý của mình, khiến có nhiều người đã không được điều trị bệnh và “được thả” chỉ để sau đó chết vì bệnh hoạn.
Theo hồ sơ của The 88 Project, ở Việt Nam hiện có 249 người hoạt động nhân quyền đang bị đe dọa bởi chính quyền, trong đó có 83 người thuộc phái nữ. Trong số đó, sau khi chị Đoàn Thị Hồng được thả thì hiện còn 27 nữ TNLT đang bị giam.
Bà Grace nói những phụ nữ đứng lên phải đối mặt với những thách thức riêng của phái nữ:
“Khi những người phụ nữ bị bắt như vậy thì dĩ nhiên những người cai tù hay những người làm việc trong tù sẽ rất coi thường họ. Dĩ nhiên khi một phụ nữ bị bắt như vậy thì họ có những cái sự khó khăn, như mỗi tháng khi họ bị period (kinh nguyệt) thì rất là khó khăn đòi hỏi những tấm băng vệ sinh. Thay quần áo thì bị người ta nhìn, rồi phải xa con cái thì cái sự đấu tranh của người phụ nữ ở bên Việt Nam rất là khó khăn”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương được biết cũng có con nhỏ còn đi tuổi học. Chị Đoàn Thị Hồng là một người mẹ đơn thân, khi bị bắt, con gái dưới 3 tuổi trong một năm không được thăm mẹ.
Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, The 88 Project đã dành tháng 3 để lên tiếng cho các nữ TNTL, như nhà báo Phạm Đoan Trang, hai dân oan Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm và Facebooker Huỳnh Thị Tố Nga.
Bà Grace cũng cho biết, có những TNLT được nhắc đến nhiều như Phạm Đoan Trang, Cấn thị Thêu. Có những người khác thì ít ai biết đến nhưng không phải vì các tổ chức nhân quyền quên họ.
“Những người như là Huỳnh Thị Tố Nga hay là Sương mà gia đình của họ không ký giấy để chấp thuận cho Liên Hiệp Quốc thì không có ai được làm việc hết. Nhưng mà những tổ chức (nhân quyền) vẫn nêu tên những người này ra (khi đi vận động)”.
Nhiều gia đình TNLT còn phải phấn đấu với nỗi sợ hãi không biết sự lên tiếng bênh vực cho người thân của mình có bị chính quyền lợi dụng quấy rối hay ngược đãi thêm với tù nhân.
Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Sương nhưng chưa được hồi âm.
Nguồn: RFA