Theo bản báo cáo nhân quyền mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế được công bố hôm 6/4, tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã diễn ra hết sức tồi tệ trong năm 2020. Những cuộc bắt giữ và khởi tố tuỳ tiện những người bảo vệ nhân quyền gia tăng một cách nhanh chóng, đồng thời số lượng Tù nhân Lương tâm (TNLT) ở Việt Nam cũng đã ra tăng đáng kể, đặc biệt nhiều cá nhân bày tỏ quan điểm trên mạng cũng bị sách nhiễu nhiều hơn từ chính quyền.
Trước Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền Cộng sản đã thực hiện một cuộc đàn áp lớn nhắm vào tất cả những người dám bộc lộ ý kiến trái chiều đối với những lý tưởng do đảng Cộng sản đề ra nhằm mục đích củng cố và bảo vệ quyền lực.
Nhà cầm quyền Việt Nam ra sức tiến hành đàn áp đối với quyền tự do bày tỏ ý kiến, đặc biệt hướng tới những cá nhân bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng. Bản báo cáo khẳng định “đã có sự gia tăng đáng kể trong việc kiểm duyệt những phát ngôn trên mạng, thêm vào đó là sự gia tăng đáng kể trong việc bắt bớ tuỳ tiện, giam giữ và kết án đối với những cá nhân trong việc thể hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến cả trên mạng cũng như ngoài mạng. Nhiều nhà báo và tác giả cũng bị nhắm tới, với một loạt bắt bớ và kết án nhắm tới Nhà Xuất Bản Tự Do và Hội Nhà Báo Độc Lập. Hai thành viên của Nhà Xuất Bản Tự Do – một nhà xuất bản địa phương được coi là phát hành nội dung nhạy cảm với chính quyền – đã bị tra tấn bởi cảnh sát trong trại giam ở thành phố Hồ Chí Minh”.
Trong tháng 4 năm ngoái, dưới sức ép mạnh mẽ của chính quyền Việt Nam, Facebook cũng đã thông báo rằng họ đã phải bắt buộc chấp hành đề xuất do chính quyền Cộng sản đề ra trong việc kiểm duyệt thông tin với nội dung cho rằng “chống phá chính quyền” trên nền tảng của họ nếu không muốn dịch vụ của họ bị ảnh hưởng tại Việt Nam.
Hàng loạt những nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động chính trị đưa lời cảnh tình trong việc “nội dung của họ bị hạn chế trên cả Facebook và Youtube dưới yêu cầu của chính quyền, bao gồm chặn những tin tức nhạy cảm theo địa lý, chặn hoặc xoá tài khoản người dùng”. Những hành động này cho thấy sự xuống cấp trầm trọng trong việc tự do bầy tỏ quan điểm ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam cũng ra nghị định số 15/2020/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nhằm mục đích hợp thức hoá việc xử phạt cũng như đe doạ đến quyền tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm của công dân.
Năm 2020 cũng là một năm đáng buồn cho nhân quyền ở Việt Nam khi mà có ít nhất 173 TNLT đã bị bắt, số liệu lớn nhất kể từ khi tổ chức Ân Xá Quốc Tế bắt đầu báo cáo số liệu vào năm 1996. Được biết, trong số đó đã có “72 người bị bắt giữ do việc bày tỏ quan điểm trên mạng, đánh dấu sự ra tăng so với những năm trước”. Đại đa số các TNLT bị bắt giữ với lí do “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 331 Bộ luật hình sự với mức án lên tới 7 năm tù, hoặc với lí do “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ luật hình sự với mức án lên tới 20 năm tù, một mức án rất nặng do nhà cầm quyền Cộng sản thông qua trong những năm vừa qua.
Cũng theo bản báo cáo, tình trạng giam giữ ở Việt Nam vẫn diễn ra hết sức tồi tệ, đặc biệt là đối với những nữ TNLT. Nhiều gia đình của những TNLT phản ánh tình trạng tra tấn hay phân biệt đối sử khi bị giam giữ, điển hình phải kể đến Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Văn Túc, Huỳnh Trương Ca, Lê Đình Lượng, Nguyễn Ngọc Anh.