Ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc, đang bị buộc phải lao động khổ sai trong một nhà tù ở Việt Nam, Hệ thống Truyền thông Úc châu-ABC dẫn lời một người từng là bạn tù của nhà hoạt động này cho biết.
Chi tiết này hé lộ vào thời điểm đánh dấu 2 năm từ khi ông Châu Văn Khảm bị giam cầm sau khi ông bị xét có tội và xử 12 năm tù về tội “hoạt động khủng bố” vào tháng 11 năm 2019.
Theo Hệ thống Truyền thông Úc Châu, ông Khảm, 71 tuổi, coi bản án 12 năm không khác nào là như một “bản án tử hình”.
Ông Châu Văn Khảm, thợ làm bánh đã nghỉ hưu, là thành viên của tổ chức Việt Tân, một nhóm đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam coi là một tổ chức khủng bố.
Hệ thống Truyền thông Úc–ABC tường thuật rằng họ đã được xem một lá thư của ông Michael Phương Minh Nguyễn, từng là bạn tù của ông Khảm, gửi cho Ngoại trưởng Úc Marise Payne, nói rằng các điều kiện trong nhà tù đang “ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần” của ông Khảm.
Trong thư, ông Nguyễn viết:
“Tôi lo ngại cho an sinh của ông, do ông phải lao động khổ nhọc dài giờ, lương thực thiếu thốn, và không được chăm sóc sức khỏe đúng mức.”
Bức thư không cho biết thêm chi tiết về các điều kiện trong nhà tù mà đài ABC nói họ không thể kiểm chứng, nhưng các tổ chức nhân quyền trước đó đã chỉ trích cách đối xử tàn tệ với tù nhân trong các nhà tù ở Việt Nam.
Ông Michael Phương Minh Nguyễn là một công dân Mỹ bị bắt giữ ở Việt Nam vào tháng Bảy năm 2018, ông cũng bị tuyên án tù 12 năm và bị cáo buộc về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông nói ông được trả tự do và trở về Mỹ vào tháng 10 năm 2020, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao và quốc hội Mỹ.
Ông Nguyễn viết: “Tôi tin rằng nếu chính phủ Úc có thể cung cấp sự hỗ trợ tương tự cho ông Châu Văn Khảm và can thiệp, thì tôi tin chắc chính quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho ông.”
Hệ thống Truyền thông Úc Châu nói theo họ biết thì ông Michael Nguyễn chưa được Ngoại trưởng Úc Marise Payne hồi âm, mặc dù bức thư đã được trao cho bà vào ngày 14/12/2020.
Ông Châu Văn Khảm, trước đây là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa, vượt biển đến Úc tị nạn vào năm 1982.
Tháng 1 năm 2019, ông bị bắt khi về Viêt Nam để gặp một nhà hoạt động thuộc nhóm Anh em Dân chủ để “tìm hiểu thực tế” về tình hình nhân quyền trong nước. Cùng bị bắt với ông có ông Nguyễn Văn Viễn và ông Trần Văn Quyền, hai người được cho là đồng lõa của ông Khảm, bị tuyên án lần lượt 11 và 10 năm tù.
Ông Khảm còn bị cáo buộc đã dùng giấy tờ giả để lẻn vào Việt Nam từ Campuchia.
Năm nay, ông Khảm sẽ trải qua sinh nhật thứ 72 sau chấn song sắt của nhà tù ở Việt Nam, tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York, nói rằng vợ và các con ông Khảm chưa từng được nói chuyện với ông kể từ khi ông bị bắt vào tháng 1 năm 2019.
Vợ ông, bà Châu Thị Quỳnh Trang đã khẩn khoản chính quyền Việt Nam hãy cho phép gia đình liên lạc trực tiếp với ông.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo nhân dịp hai năm ông Châu Văn Khảm bị giam cầm, trích lời bà Quỳnh Trang nói:
“Chồng tôi sang Việt Nam để theo dõi tình hình nhân quyền tại hiện trường, vài giờ sau khi đến nơi, ông bị bắt và từ đó tôi không được nói chuyện với ông.”
Bà nói tiếp:
“Mẹ con tôi nhớ chồng, nhớ cha biết bao- chỉ mong được nghe giọng nói của ông, biết ông vẫn khỏe – thì quý hóa biết bao thay vì sự im lặng khủng khiếp này.”
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong gần hai năm bị giam cầm, ông Khảm chỉ được cho phép gặp gia đình người em ở Việt Nam một lần vào tháng 6 năm 2020, và từ tháng 8, mỗi tháng được nói chuyện qua điện thoại 10 phút với cháu trai.
Nhưng từ ngày ông Khảm bất ngờ bị chuyển tới một nhà tù xa hơn, cách tpHCM 3 giờ đồng hồ, thì ngay cả gia đình ở Việt Nam muốn gặp ông cũng khó khăn hơn trước.
Nhưng gia đình trực hệ, vợ con ở Úc, chưa được liên lạc từ khi ông bị bắt.
Nói chuyện với ABC, con ông, Dennis Châu, nói:
“Sự vắng mặt của cha tôi đã để lại một lỗ hổng lớn nơi gia đình tôi, và trong trái tim tôi.”
Luật sư của gia đình kêu gọi Ngoại trưởng Úc Marise Payne hãy làm nhiều hơn để giúp họ. Đại diện cho gia đình ông Khảm ở Úc, Luật sư Nguyễn Đan Phượng tại Sydney nói:
“Chúng tôi không biết gì nhiều về tình trạng ông Khảm và các giới chức Úc đã đi tới đâu trong nỗ lực vận động cho ông được trả tự do,”
“Ở tuổi ông, và với các vấn đề sức khỏe của ông, ông lẽ ra nên được đặt vào hàng ưu tiên, chúng tôi khẩn khoản ngoại trưởng Payne và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) hãy hành động gấp gáp hơn để bảo đảm ông Khảm được sớm trở về đoàn tụ với gia đình.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế -Úc Châu, Luật sư Nguyễn Đan Phượng và bà Quỳnh Trang đã gặp gỡ đại diện của Ngoại trưởng Úc Marise Payne, DFAT và các dân biểu quốc hội để hối thúc chính phủ Úc vận động đưa ông Châu Văn Khảm về nước.
Theo ABC, DFAT đã nêu lên trường hợp của ông Khảm và những quan tâm về nhân quyền 9 lần trong thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2020, kể cả với Phó Thủ tướng/ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trong mấy tháng gần đây, các cuộc thăm viếng của lãnh sự quán và của gia đình các tù nhân đã bị tạm ngưng vì những lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19.
Nguồn: VOA