Trong một phiên toà hình sự vừa diễn ra cách đây ít ngày tại TANDTPHCM, tôi bảo vệ cho một thân chủ bị truy tố với khung hình phạt cao nhất (tử hình). Tại phiên toà này, trong phần xét hỏi, một vị thẩm phán cánh gà đặt rất nhiều câu hỏi rồi tự trả lời, rồi giảng đạo người được hỏi. Khi thân chủ tôi trả lời thì ông bảo “tôi hỏi nhưng bị cáo không cần trả lời”, rồi chuyển câu hỏi khác. Cũng có lúc thân chủ đang trả lời thì ông cắt ngang, không cho nói dù những lời trình bày là không trùng lắp với nội dung ông khai trước đó… Dù cảm thấy khó chịu nhưng vị chủ tọa phiên toà cũng như kiểm sát viên vẫn ngồi im.
Khi vị thẩm phán kia cắt ngang lời thân chủ tôi khi ông đang trình bày, cũng là lúc tôi giơ tay lên ý kiến. Mặc cho chủ tọa phiên toà khoát tay mời ngồi xuống nhưng tôi vẫn đứng im tại chỗ.
Chủ tọa cho biết: Chưa tới phần hỏi của luật sư, mời luật sư ngồi xuống.
Tôi nói: Tôi không hỏi mà tôi ý kiến về cách làm việc của vị thẩm phán kia, cách điều khiển phiên toà của chủ tọa cũng như vai trò của kiểm sát viên trong việc kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của HĐXX.
Chủ tọa tiếp tục: Tất cả đều tuân thủ đúng pháp luật, nếu ai làm sai luật sư có quyền khiếu nại sau chứ luật sư không thể vì phạm nội quy phiên toà.
Tôi nói lại nói tiếp: Chờ tới hết phiên toà mới ý kiến thì quyền lợi của thân chủ của tôi đã bị xâm phạm xong rồi. Tôi cũng nói thêm, nếu vi phạm nội quy phiên toà mà bảo vệ được quyền lợi của thân chủ thì tôi sẵn sàng, hãy để tôi ý kiến xong rồi mời tôi ra khỏi phiên toà cũng chưa muộn.
Sau hai lần mời tôi ngồi xuống không thành công, ông chủ tọa phiên toà chấp nhận cho tôi được trình bày.Khi được ý kiến, tôi lớn tiếng chỉ trích cách “chặn họng” thân chủ tôi của vị thẩm phán cánh gà nêu trên vì đã tước đi quyền được trình bày của bị cáo; đáng lẽ tôi không phải vì phạm nội quy phiên toà nếu vị kiểm sát viên thể hiện đúng vai trò của mình và nhắc nhở cách làm việc sai trái của vị thẩm phán kia và tôi đề nghị chủ tọa phiên toà nhắc nhở vị thẩm phán mà tôi nêu tên tuân thủ đúng quy định về việc xét hỏi trong phiên toà, tránh lạm quyền và xâm phạm tới quyền của người khác, gây bức cho những người tham dự phiên toà, trong đó có luật sư. Trước khi ngồi xuống, tôi không quên xin lỗi HĐXX vì hành vi đường đột của mình và nói rằng mình đã trình bày xong, nếu cảm thấy hành vi tôi là sai và mời tôi ra khỏi phòng xử án thì tôi xin chấp hành. Có lẽ cũng nhận ra mình có lỗi nên vị chủ tọa chỉ nhẹ nhàng mời luật sư ngồi xuống và lần sau không làm thế nữa. Sau lần tôi ý kiến, vị thẩm phán cánh gà im lặng, không nói thêm gì, ngồi im thim thít trong suốt phần còn lại của phiên toà.
Thực tế điều tra, xét xử của chúng ta hiện nay là các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đều xem bị can, bị cáo là tội phạm và họ đã bị “kết án” ngay từ khi bị bắt. Việc xét xử chỉ là bước cuối cùng để hợp thức hoá bản án kia mà thôi. Có nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng hầu như nó không được sử dụng trong suốt quá trình tố tụng. Vậy nên, việc hỏi tại phiên toà cũng chỉ nhằm mục đích buộc tội bị cáo chứ không nhằm gỡ tội cho họ và nếu như có câu nào bị cáo nói không vừa tai người hỏi là ngay lập tức bị nhắc nhở, bị quy chụp cho là không thành khẩn, quanh co chối tội và có thể bị cắt ngang bất kỳ lúc nào mà không cần lời giải thích.
Vai trò của người luật sư ngày càng được coi trọng trong xã hội nhưng trong mắt một số người trong các cơ quan tố tụng lại không được xem trọng. Nhiều người trong số họ coi luật sư như một cái gai trong mắt họ, là vật cản trở, ngáng đường gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của họ. Do vậy, việc bị gây khó trong quá trình hành nghề của luật sư có dấu hiệu tăng lên không ngừng. Nếu luật sư không tự trang bị kiến thức tốt cũng như tinh thần thép cùng kỹ năng ứng xử khôn ngoan để tự bảo vệ cho mình thì khó lòng bảo vệ tốt cho người cần mình bảo vệ họ, trừ khi việc lên toà của luật sư chỉ là để diễn án còn mọi việc đã có “Bác” đi trước rồi.
Luật sư là nghề độc lập, dù có cơ quan chủ quản bảo vệ nhưng việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư cũng đang gặp nhiều khó khăn, cản trở. Liên đoàn luật sư Việt Nam thời gian qua cũng đã khá nổ lực bảo vệ anh em luật sư nhưng nhiều mảng gọi là nhạy cảm thì họ không thể “xía” vào được. Bộ Tư pháp thì dường như thích quản lý hơn là bảo vệ luật sư và ngày qua ngày, họ muốn siết chặt nghề luật sư mạnh hơn nữa. Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng khác họ đề ra nhiều cơ chế, chính sách để bảo vệ họ, bảo vệ nhau thì Bộ Tư pháp lại có vẻ như đang coi luật sư nhưng đứa con ngoài giá thú và ra nhiều chính sách gây khó cho hoạt động hành nghề của luật sư. Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có nhiều hành vi xâm phạm hoạt động hành nghề của luật sư vẫn diễn ra hàng ngày và đó là khoảng trống mênh mông chưa có quy định về chế tài cụ thể còn luật sư hở ra là phạt, hở ra là phạt và việc xử phạt là kim chỉ nam xuyên suốt nhiều chế định liên quan tới luật sư…
Khó khăn chồng khó khăn, nhưng mong anh em luật sư vững tâm, cống gắng vươn lên. Hãy nỗ lực hơn nữa để bảo vệ thân chủ, bảo vệ mình, đừng trông chờ quá nhiều vào sự ưu ái của người khác hoặc từ sự hà hơi tiếp sức của những người đang ngồi trên đầu mình…
P/s: Hạn chế sử dụng cách thức ứng xử của tôi như trong phiên toà nêu trên vì trong trường hợp của mình, nếu mời tôi ra khỏi phòng xử án thì phiên toà phải hoãn lại vì tôi là luật sư duy nhất của thân chủ, trong khi họ đang đối diện với bản án có mức hình phạt cao nhất, không thể không có luật sư… Hãy nhìn quanh và tính kỹ lưỡng trong mọi tình huống, đặc biệt là khi hành động của mình có thể ảnh hưởng tới thân chủ hoặc “đồng đội” của mình!
Nguồn: LS Ngô Anh Tuấn