Hơn 50 người từng đoạt giải thưởng danh giá nhất thế giới về môi trường kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bác đơn ứng cử của Việt Nam, do chính quyền Hà Nội đàn áp giới hoạt động nhân quyền trong nước.
Hôm 14 Tháng Chín, 2022, 52 người từng đoạt Giải thưởng Môi trường Goldman, đến từ 41 quốc gia, đã gửi thư đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Hội đồng bỏ phiếu bác đơn ứng cử của Việt Nam làm thành viên của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2023 – 2025, do chính quyền Hà Nội trong năm nay đã bắt giam 4 nhà hoạt động môi trường với những cáo buộc về thuế vốn đã bị quốc tế chỉ trích.
Trong năm 2022, Việt Nam đã bỏ tù bốn nhà hoạt động môi trường với tội danh trốn thuế với các án tù từ hai đến năm năm.
Những người này bao gồm: nhà báo Mai Phan Lợi – Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), Bạch Hùng Dương – Giám đốc MEC, Đặng Đình Bách – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) – đồng thời là khôi nguyên của giải Goldman năm 2018.
Các tác giả của bức thư nhắc lại rằng các Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền tự do Hội họp và Lập hội đã từng cho rằng các luật “mơ hồ” về thuế của Việt Nam là “không tương hợp với các tiêu chuẩn về nhân quyền” và thường được sử dụng để tự kiểm duyệt và bịt miệng các nhà hoạt động môi trường hàng đầu như bà Ngụy Thị Khanh hay ông Đặng Đình Bách.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một cơ chế bao gồm đại diện của 47 quốc gia, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm. Việt Nam đang ứng cử cho nhiệm kỳ 2023-2025.
Các tác giả bức thư nói trên yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bác đơn ứng cử của Việt Nam cho đến khi nào Hà Nội trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường đang bị giam, đồng thời sửa đổi các luật về thuế cho đúng với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.