Hôm nay là 23/9, còn một tuần nữa là hết thời hạn kháng án cho các bị cáo trong vụ Đồng Tâm.
Cho đến hôm nay, luật sư vẫn chưa nhận được thông tin gì từ 15 bị cáo trong tù, đặc biệt từ hai tử tù Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Điều này là rất đáng lo ngại, bởi vì, căn cứ vào lối hành xử của lực lượng công an, có thể thấy khả năng cao của việc công an o ép, đe dọa để 15 bị cáo không kháng cáo, thậm chí viết thư ra ngoài năn nỉ:
“Tôi biết tôi có tội, tôi vô cùng hối hận, tôi không kháng cáo và xin được thi hành án sớm…”. Xin nhấn mạnh đây là tình huống giả tưởng nhưng không phải là không có khả năng xảy ra. Hãy nghĩ đến việc phần lớn bị cáo, trong lời cuối cùng trước tòa, đều đã phát biểu một kịch bản dập khuôn “xin cảm ơn các thầy cô quản giáo đã giáo dục, dạy dỗ để bị cáo ý thức được tội lỗi của mình”, “bị cáo có lỗi, bị cáo đã nhận ra lỗi”, “xin các luật sư không bào chữa cho bị cáo nữa và không yêu cầu trả hồ sơ lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra”.
Sau khi tòa tuyên án, chiều 14/9, hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức có ra hiệu cho luật sư bào chữa là họ muốn kháng cáo. Tuy nhiên, cho đến giờ, mọi thông tin từ họ đều bị chặn lại; cánh cửa nhà tù đã đóng chặt. Rõ ràng, nếu không ai kháng cáo và không có phiên xử phúc thẩm nữa, là điều vô cùng có lợi cho chính quyền công an trị, vì như thế là khép lại được một vụ án đã mang đến cho chúng quá nhiều tai tiếng.
Như Luật Khoa tạp chí đã viết, phán quyết ngày 14/9/2020 của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội về vụ Đồng Tâm mới là bản án sơ thẩm và chưa có hiệu lực. Việc thi hành án chưa bắt đầu. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị là 15 ngày tính từ ngày kế tiếp (chứ không phải ngày tuyên án), tức là từ ngày 15/9 đến hết ngày 29/9.Nếu không có kháng cáo, kháng nghị, toàn bộ bản án sẽ tự động có hiệu lực kể từ ngày thứ 16, tức là thứ tư, 30/09. Khi đó, tiến trình thi hành toàn bộ bản án sẽ bắt đầu.