Ông Lê Văn Hải, 54 tuổi, vào ngày 31 tháng ba bị tòa án tỉnh Bình Định tuyên án bốn năm tù giam với cáo buộc ‘Lợi dụng các quyền dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn cáo trạng của Viện Kiểm Sát cho rằng, từ năm 2016 đến khi bị bắt giam vào giữa tháng 9 năm 2020, ông Lê Văn Hải đăng lên tài khoản Facebook cá nhân và chia sẻ nhiều bài viết mà cơ quan chức năng cho là có nội dung xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Định.
Cũng theo cáo trạng, hồi năm 2014, ông Lê Văn Hải gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định với nội dung khiếu nại và yêu cầu bồi thường về đất theo hiện trạng sử dụng và hỗ trợ mất thu nhập cho gia đình ông. Nguyên do vì nhà và đất của gia đình ông bị thu hồi để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn.
Tuy nhiên, đơn khiếu nại và yêu cầu bồi thường của ông Lê Văn Hải không được cơ quan chức năng chấp nhận mà trả lời là việc bồi thường đã đúng qui định.
Ông Lê Văn Hải tiếp tục khiếu nại lên Bộ Tài nguyên- Môi trường, Thanh Tra Chính Phủ… nhưng những yêu cầu của ông đều bị bác.
Tại Việt Nam, suốt nhiều năm qua xảy ra tình trạng người dân bị thu hồi nhà, đất một cách trái luật hay mức bồi thường quá thấp, không thỏa đáng khiến họ phải khiếu kiện.
Có những vụ gia đình riêng lẻ và những vụ cả thôn, làng, phường cùng chung cảnh ngộ nên khiếu kiện tập thể. Vì không được địa phương giải quyết nên họ kêu đến các cơ quan trung ương.
Có những trường hợp khiếu kiện kéo dài nhiều năm khiến người khiếu kiện phải lưu lại tại Hà Nội kêu oan. Có trường hợp do khiếu kiện mà trở thành tù nhân và bị bắt bớ như trường hợp gia đình bà Cấn Thị Thêu ở Dương Nội, ngoại thành Hà Nội. Bà Thêu cùng chồng từng bị tù vì đấu tranh chống cưỡng chế lấy đất phi pháp và nay bà và 2 con trai tiếp tục bị giam giữ do đấu tranh đòi hỏi quyền lợi hợp pháp cho gia đình và những người khác cùng cảnh ngộ.
Vụ việc gây xôn xao công luận gần đây vì còn nhiều khuất tất là vụ Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội. Do đấu tranh theo pháp luật trong vụ đất đai Đồng Sênh bị quân đội lấy giao cho doanh nghiệp Viettel mà cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, bị giết trong vụ công an đột kích vào Đồng Tâm vào rạng ngày 9 tháng một năm 2020. Hai con trai ông Kình bị tuyên án tử hình, một người cháu bị án chung thân với cáo buộc tội giết người; hơn 20 người Đồng Tâm khác bị án tù với cáo buộc giết người và chống người thi hành công vụ.
Nguồn: RFA