Ông Trương Châu Hữu Danh, một nhà báo và Facebooker năng nổ trong hoạt động chống các trạm BOT bị cho là ‘bẩn’ tại Việt Nam, vào ngày 17 tháng 12 bị Công an Thành phố Cần Thơ bắt và di lý về nơi đăng ký thường trú ở số 85 đường Khương Minh Ngọc, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, Thành phố Long An.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam thì ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt để điều tra về cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Cụ thể, Cơ quan An Ninh Điều tra thuộc Công an Thành phố Cần Thơ, sau khi có sự đồng ý phê chuẩn của Viện Kiểm Sát Nhân dân Thành phố Cần Thơ, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông này 3 tháng để phục vụ mục đích điều tra.
Ông Trương Châu Hữu Danh sinh ngày 1 tháng 1 năm 1982 và từng làm phóng viên cho một số tờ báo trong nước. Ông cũng là một thành viên tích cực cùng với một số người trực tiếp đến một số trạm thu phí BOT bị cho là đặt không đúng vị trí và thu phí không hợp lý.
Ông Trương Châu Hữu Danh là một trong những thành viên sáng lập Báo Sạch, hiện trang Fanpage của Báo Sạch có hơn 100 ngàn lượt thích và là một trong những nơi đưa tin tích cực nhất trong vụ án oan của Hồ Duy Hải.
Bài đăng cuối cùng trên Fanpage Trương Châu Hữu Danh là hình ảnh photoshop 2 ông Tất Thành Cang và Đinh La Thăng khoác tay nhau và mặc áo tù cùng dòng trạng thái “Trùng phùng”.
Hôm 1-12-2020 vừa qua, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra báo cáo về tình trạng kiểm duyệt của các mạng xã hội lớn trong đó có nhắc đến Trương Châu Hữu Danh như là “một nhà báo tự do nổi tiếng tại Việt Nam tập trung vào các vấn đề như cáo buộc tham nhũng, công bằng xã hội và cáo buộc lạm quyền của các quan chức chính phủ.”
Theo báo cáo này, ông Danh sử dụng tài khoản Facebook cá nhân với gần 150.000 người theo dõi để đăng các bài viết của mình. Hàng nghìn người tương tác với bài của ông mỗi ngày.
Tuy nhiên một số bài đăng của ông về vụ bê bối cáo buộc có tham nhũng tại tỉnh Bình Dương đã bị Facebook hạn chế tại Việt Nam mà thiếu lựa chọn để khiếu nại.
Nguồn: RFA