Sáng 31/3, ông Vương Đình Huệ chính thức trở thành tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Theo đó, đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Báo chí Việt Nam đưa tin kết quả kiểm phiếu cho thấy, ông Vương Đình Huệ nhận kết quả kiểm phiếu được 100% đại biểu Quốc hội có mặt (473 đại biểu) tán thành và chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Việc ông Vương Đình Huệ – Bí thư Thành uỷ Hà Nội trở thành Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, không gây ngạc nhiên cho những ai theo dõi kỹ chính trị Việt Nam.
Lý do, như BBC đã đưa tin ngay tại Đại hội 13 tháng Giêng năm 2021, các đại biểu dự Đại hội Đảng đã được thông báo khi đó rằng:
- Ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử Tổng Bí thư
- Ông Nguyễn Xuân Phúc đề cử Chủ tịch nước
- Ông Phạm Minh Chính đề cử Thủ tướng
- Ông Vương Đình Huệ đề cử Chủ tịch Quốc hội
Từ đó đến nay, thông tin này không có gì thay đổi, tuy chưa được Đảng chính thức công khai cho toàn dân.
Ngày 31/3, Quốc hội sẽ thảo luận tại đoàn trước khi bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch Quốc hội.
Trong hệ thống chính trị một đảng tại Việt Nam, Đảng Cộng sản duy trì sự lãnh đạo toàn diện với Quốc hội.
Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng dùng cụm từ “Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu” để nói gọn về mối quan hệ này.
Theo chính điều lệ đảng cộng sản, bốn chức danh cao nhất là do Ban chấp hành trung ương lựa chọn, thông qua.
Cụ thể Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu 3 chức danh: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội bầu.
Trước việc ông Vương Đình Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một bạn trẻ giấu tên nói với BBC từ Sài Gòn ngày 31/3:
“Câu cửa miệng của nhiều người là: có gì bất ngờ đâu, biết trước hết rồi mà – khi nói về việc bầu bán như thế này ở Việt Nam. Nội con số 100% cũng là điều thường thấy trong việc bỏ phiếu. Vì thế, người trẻ thường không hào hứng lắm với việc bầu cử những chức danh chủ chốt nắm quyền điều hành đất nước vì biết mình như không có tiếng nói gì trong việc sắp xếp nhân sự các cấp và các nhánh (ngoại trừ một vài kênh góp ý đầy hình thức và các kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, quốc hội vốn cũng không có giám sát độc lập). Vì vậy, việc ai lên, ai xuống nằm hết trong sự tính toán của đảng.”
“Đó là lý do vì sao gọi là đảng lãnh đạo toàn diện. Nhìn về khía cạnh tư pháp, hành pháp lẫn lập pháp, đảng cũng nhúng tay vào bằng cách này hay cách kia. Dù biết mọi việc đã được lên kịch bản, tin hành lang thường trở thành tin chính thức nhưng tôi vẫn cố gắng theo dõi vì muốn biết được một số đường hướng của đảng. Ví dụ, những người trong tứ trụ theo xu hướng nào.”
“Tôi quan sát thấy bạn bè trên Facebook bình luận sôi nổi kỳ bầu cử Mỹ hơn vì ứng cử viên phải chứng minh là họ giúp đất nước tốt hơn qua những chính sách có lợi cho người dân, còn ở Việt Nam, người ngồi vào chiếc ghế quyền lực thường là người có lợi cho đảng hơn. Nhiều người trẻ như tôi thường chờ đó, thậm chí tìm cảm hứng, động lực từ bài diễn văn nhậm chức của các lãnh đạo những nước như Mỹ, nhưng với nước của chính mình, thường đó chỉ là những lời lẽ như bản tin trên thời sự, khô khan và máy móc.”, người này nói.
Tiểu sử ông Vương Đình Huệ
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Ông có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Ông từng là giảng viên, rồi Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Kế toán, rồi Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội.
Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Kiểm toán, rồi Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tại Đại hội 12, ông được bầu vào Bộ Chính trị, vào nhóm các nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam.
Ông Vương Đình Huệ từng giữ các chức vụ cao cấp Bộ Trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tháng Hai 2020, khi ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật, Bộ Chính trị đã đưa ông Huệ về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội tới nay.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.
Nguồn: BBC