Tôi đã có 10 năm hành nghề luật sư và tôi biết chắc chắn việc ăn hối lộ của các nghi can là bản chất của An ninh điều tra(ANĐT) nói riêng và cả hệ thống các cơ quan điều tra của ngành công an nói chung.
Các điều tra viên(ĐTV) của các cơ quan ANĐT ăn hối lộ để bỏ qua tội phạm, hay giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội, thậm trí với những người vi phạm chưa tới truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng do thiếu hiểu biết mà bị ĐTV đe dọa nên phải hối lộ. Hoặc có những người phạm tội ở mức nhẹ, nhưng cũng thiếu hiểu biết, bị ĐTV đe dọa mà phải hối lộ chỉ để chịu hình phạt đúng với hành vi phạm tội của mình.
Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án để tìm ra những nghi can, những khâu có thể ăn hối lộ là một trong các nghiệp vụ của ANĐT, nó được truyền từ các thế hệ ĐTV này sang các thế hệ ĐTV khác, truyền từ cấp trên cho cấp dưới.
Với ĐTV chỉ cần có một chút kinh nghiệm thì lướt qua hồ sơ vụ án, người này có thể biết làm sao để kiếm tiền và từ nghi can nào.
Việc ăn hối lộ của ANĐT thường rất kín đáo nếu ở trong giai đoạn chưa khởi tố và bắt tạm giam bị can, mà mới chỉ ở giai đoạn triệu tập những nghi can để tìm hiểu. Ở giai đoạn này thì ANĐT có thể ăn hối lộ một mình mà không cần ăn chia với VKS. ANĐT thì vụ nào họ cũng tìm cách ăn hối lộ, nhưng nói chung là rất ít vụ ANĐT ăn hối lộ bị phát hiện. ANĐT ăn hối lộ chỉ bị phát hiện khi ANĐT không làm được việc như đã hứa và bị nghi can hay người nhà nghi can tố cáo.
Nếu như vụ án đã được khởi tố và bắt tạm giam các bị can, ANĐT ăn hối lộ rồi muốn tha bổng các nghi can thì phải ăn chia với VKS cùng cấp.
Tôi đi vào nội dung chính của vụ án Nguyễn Đức Chung:
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước xảy ra tại Hà Nội, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cùng 3 người khác về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Theo kết luận điều tra, ngày 14/5/2019, CQĐT Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan (vụ án Công ty Nhật Cường).
Trong đó, CQĐT xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, TGĐ Công ty TNHH Hà Thành) giới thiệu, làm quen với ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu- Bộ Công an (Cục Cảnh sát kinh tế), người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Ngày 16/6/2019, ông Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề và sau đó được ông Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Để có thông tin, tài liệu cung cấp cho ông Chung, ông Dũng đã lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án để lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế (đơn vị được giao thụ lý vụ án) chụp trộm các tài liệu, báo cáo.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2019- 6/2020, ông Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.
Kết luận điều tra cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Đức Chung đã phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Đến nay, chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc ông Dũng được ông Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD, nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tách hành vi nêu trên để xem xét, xử lý sau.
Theo CQĐT, không có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ biết việc ông Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường cung cấp cho ông Nguyễn Đức Chung. Do đó, không có căn cứ xem xét xử lý đối với ông Lệ.
PHÂN TÍCH:
Theo kết luận điều tra thì Nguyễn Đức Chung đã nhờ Phan Huy Lệ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, TGĐ Công ty TNHH Hà Thành) giới thiệu, làm quen với Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu- Bộ Công an (Cục Cảnh sát kinh tế), người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Thứ nhất, Nguyễn Đức Chung phải nói cho Phan Huy Lệ biết về mục đích tìm người để theo dõi cũng như có khả năng đánh cắp hồ sơ của vụ án Nhật Cường thì Lệ mới biết tìm ai cho chính xác.
Thứ hai, khi Phan Huy Lệ gặp Phạm Quang Dũng, thì Lệ cũng phải hỏi về khả năng thực hiện yêu cầu của Chung và Dũng có đồng ý không, rồi sau đó Lệ mới giới thiệu để Chung và Dũng làm quen và thỏa thuận.
Như vậy Phan Huy Lệ biết được cả mục đích của Nguyễn Đức Chung và khả năng của Phạm Quang Dũng.
Và trong vụ án này thì Phan Huy Lệ đóng vai trò đồng phạm trong việc giúp sức cho Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng phạm tội. Đồng thời Phan Huy Lệ có thể phạm tội không tố giác tội phạm.
Và đương nhiên các ĐTV của cơ quan ANĐT với nghiệp vụ và kinh nghiệm thì họ còn giỏi và biết rõ hơn ai hết.
Nhưng ANĐT đã lợi dụng điểm này để hù dọa, ép buộc Phan Huy Lệ. Theo các thông tin chưa được kiểm chứng thì Phan Huy Lệ đã phải bỏ hàng trăm ngàn USD để mua cho sự an toàn của mình.
Trong trường hợp này ANĐT ăn hối lộ để tha bổng một nghi can có vai trò đồng phạm hay ít nhất là không tố giác tội pham.
Chi tiết thứ hai của vụ án là việc Phạm Quang Dũng nhận 10,000 USD của Nguyễn Đức Chung thông qua người trợ lý của mình. Sau khi bị bắt thì gia đình Phạm Quang Dũng đã nộp lại 10,000 USD cho cơ quan ANĐT.
Nhân chứng, vật chứng đã đầy đủ, không có lý do gì mà cơ quan ANĐT phải tách ra để xử lý sau.
Dư luận cho rằng ANĐT đã ăn hối lộ của Phạm Quang Dũng và Nguyễn Đức Chung. Đây là vụ ăn hối lộ thứ 2 trong vụ án này. Mục đích là giảm bớt tội danh cho Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng về tội đưa và nhận hối lộ.
Dư luận Nhân dân đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải làm rõ việc đưa, nhận hối lộ trong vụ án Nguyễn Đức Chung và đồng phạm.