Mới đây, sau khi lên ngôi Tổng Bí thư, ngài Tô Lâm kêu gọi chống lãng phí, tiết kiệm… để lo cho dân.
Nghe những điều này, dân mủi lòng ghê gớm. Chẳng mấy khi nghe lại được những câu kiểu như “của dân, do dân, vì dân” hay “lấy hạnh phúc của dân làm lẽ sống của mình” mà người nói không ngượng miệng.
Thế nên, cái cụm từ “Để lo cho dân” nghe cứ quen quen và lờm lợm.
Bởi vì mới đó, người ta cũng mới nghe những lời tương tự từ Võ Văn Thưởng, rằng “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi, Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu, Tôi sống với cuộc đời chiến đấu. Của triệu người yêu dấu gian lao” mà Thưởng nhai lại của Xuân Diệu, hay “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” mà thưởng nhai lại câu nói được cho là của Hồ Chí Minh. Nhưng chưa đầy “ba bảy hăm mốt ngày” những đứa to mồm ấy đã lộ nguyên hình là những kẻ bịp bợm, những tên không chỉ là ăn cắp, mà là kẻ cướp của nhân dân.
Và nay thì Tô Lâm đang hò hét “Tiết kiệm để lo cho dân”.
Và người ta đặt câu hỏi: Như thế nào thì được coi là tiết kiệm? Và lo cho dân là lo như thế nào?
Bởi người ta vẫn nhớ cái mồm với “cú đớp thế kỷ” miếng thịt bò dát vàng lúc đó gây nỗi ám ảnh đến tận bây giờ, khi cả nước đang đói quay quắt và chết hàng loạt bởi đại dịch. Khi đó, Tô Lâm là ủy viên Bộ Chính trị.
Phải chăng, đó là thắt lưng, buộc bụng, tiết kiệm để “lo cho dân”?
Còn chống lãng phí. Người ta có thể chống từ đâu và chống bằng cách nào?
Làm sao mà không lãng phí, khi mà các quốc gia trên thế giới chỉ có một hệ thống công quyền được nuôi bằng tiền thuế của người dân, trong khi ở Việt Nam ngang nhiên tồn tại 4 hệ thống song song bao gồm: Hệ thống Đảng, hệ thống Nhà nước, Hệ thống Mặt trận Tổ Quốc và Hệ thống các đoàn thể. Tất cả đều được nuôi bằng ngân sách nhà nước, tức là tiền của dân với mục đích phục vụ cho đảng.
Làm sao chống được lãng phí, khi chính Nguyễn Xuân Phúc nói về công chức là “30% có cũng được mà không cũng được, 30% sáng cắp ô đi, tối cắp về, và chỉ có 30% làm việc”. Thế nhưng Phúc vẫn bó tay. Vì nếu phá nó đi, thì lấy đâu ra đội ngũ cùng Việt Á, lấy đâu ra những đội ngũ thực hiện các “Chuyến bay Giải cứu” thành công ngoạn mục đến thế?
Làm sao để chống lãng phí, khi chính Tô Lâm là người đã bằng mọi cách ép Quốc hội thông qua luật để CSGT giữ lại tiền phạt người dân để tiêu, để mở rộng hệ thống công an đến mức tối đa, đưa hàng loạt đám đầu gấu, du thủ du thực, vô công rỗi nghề đầu bò đầu bướu vào ăn lương Công an để trị dân qua luật “An ninh cơ sở”.
Làm sao chống được lãng phí, khi mà cả nước có hơn 15.000 giáo sư, hàng chục ngàn tiến sĩ nhưng không có một công trình nghiên cứu, một phát minh nào có thể kể đến? Thậm chí, hiếm có nơi nào trên thế giới mà những người chưa qua nổi cái bằng tốt nghiệp Bổ túc văn hóa, vẫn có thể làm hàng loạt bằng Tiến sĩ như Thích Chân Quang. Chỉ bởi đơn giản, đó là con cháu Hồ Chí Minh.
Làm sao chống được lãng phí, khi mà hệ thống giáo dục không có chỗ cho sự tự do, cho những ý tưởng sáng tạo, cho những người mong muốn có cơ hội học tập và cống hiến. Hàng chục quán quân của những cuộc thi trí tuệ, hiểu biết hễ được đi học nước ngoài, là không thèm quay lại Việt Nam.
Làm sao chống được lãng phí, khi mà tài nguyên đất nước, chỉ đào lên bán cũng chịu lỗ những khoản khổng lồ? Tập đoàn Than – Khoáng sản hiện đang nợ 74.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn sở hữu là một ví dụ.
Làm sao chống được lãng phí, khi tham nhũng đã trở thành máu thịt, thành động lực phát triển, thành mục đích của hầu hết đảng viên từ cao đến thấp, cho đến những kẻ đang manh nha vào đảng.
Tất cả những điều vừa nói, có căn nguyên, nguồn gốc từ chế độ độc tài toàn trị mang tên “Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CSVN”.
Vậy nhưng, đụng đến điều này, thì Tô Lâm chưa đủ gan hoặc nói ngược lại, bỏ điều này, thì Tô Lâm không có cơ hội để tồn tại.
Vậy thì Tô Lâm làm sao có thể chống lại cái đang làm bệ đỡ, làm cơ sở tồn tại cho chính mình?
20.11.2024