Trung Quốc hiện là nước cho vay lớn nhất đối với các nước đang phát triển, chủ yếu thông qua chương trình cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường (BRI)” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Lâu nay, Bắc Kinh cố gắng thể hiện là một đối tác “dễ dãi” đối với các “con nợ” nhằm tạo ra sự khác biệt so với các cường quốc Phương tây.
Tuy nhiên, khi phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc được mở rộng, Bắc Kinh đang phải vật lộn với những hậu quả của việc phô trương sức mạnh trên khắp thế giới, gồm tham nhũng, bất ổn chính trị và bạo lực, gây nguy hiểm cho tài sản và người lao động Trung Quốc ở các nước mà họ cho vay. Trong đó, các doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc ở một số quốc gia nơi họ đang đầu tư đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công, bởi công dân Trung Quốc được coi là giàu có hơn hầu hết người dân địa phương. Trong một số trường hợp, họ được cho đang gặt hái quá nhiều lợi ích kinh tế và cơ hội việc làm do các khoản đầu tư của Bắc Kinh tạo ra.
Theo Nhật báo phố Wall (WSJ), một bà mẹ 2 con người Pakistan hồi tháng 4 đã cho nổ tung mình bên ngoài cổng Học viện Khổng Tử tại Ðại học Karachi, thiêu rụi một chiếc xe buýt và lấy đi sinh mạng của 3 giáo viên người Trung Quốc và một tài xế người Pakistan. Sau vụ này, Bắc Kinh tìm cách đưa các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc vào Pakistan. Theo giới chức Pakistan, Islamabad, nơi cung cấp 30.000 binh sĩ để bảo vệ người Trung Quốc, đã từ chối yêu cầu này.
Ðến tháng 9, một tay súng đột kích vào một phòng khám nha khoa ở Karachi do một cặp vợ chồng gốc Hoa lớn lên ở Pakistan điều hành. Kẻ tấn công bắn bị thương nha sĩ, đồng thời giết chết một nhân viên thu ngân gốc Hoa khác. Trước đó, ở miền Bắc Pakistan, các chiến binh hồi năm ngoái đã đâm một chiếc ôtô chứa đầy thuốc nổ vào một chiếc xe buýt chở các công nhân xây dựng Trung Quốc đang được đưa đến công trình. Chiếc xe bị thổi bay khỏi sườn núi, khiến 9 người Trung Quốc và 4 người Pakistan thiệt mạng.
Trong khi đó, các tay súng Nigeria hồi tháng 6 đã bắt cóc 4 công dân Trung Quốc trong một cuộc tấn công tại một khu mỏ ở phía Tây Bắc Nigeria. Vào tháng 10, “những tên côn đồ” không rõ danh tính tấn công một doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ ở Nigeria và giết chết một nhân viên Trung Quốc. Vì thế, lãnh sự quán Trung Quốc ở Lagos kêu gọi các công ty Trung Quốc thuê an ninh tư nhân và củng cố an ninh tại khu vực làm việc của họ.
Còn tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc thống trị ngành khai thác mỏ, các nhóm doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các vụ cướp và bắt cóc có vũ trang trong những tháng gần đây.
Những vụ tấn công nói trên cùng với nhiều vụ tấn công khác nhắm vào công dân Trung Quốc đang làm việc ở châu Á và châu Phi là dấu hiệu cho thấy những thách thức ngày càng sâu sắc của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đổ tiền vào thế giới đang phát triển với mục đích mở rộng ảnh hưởng. Theo Hiệp hội các nhà thầu quốc tế Trung Quốc, tính đến cuối năm ngoái, khoảng 440.000 người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài cho các nhà thầu Trung Quốc ở châu Á và khoảng 93.500 người ở
châu Phi.
Còn theo Hiệp hội Oxus (Mỹ), khoảng 160 vụ bất ổn dân sự ở Trung Á từ năm 2018 đến giữa năm 2021, trong đó Trung Quốc là vấn đề chính. Alessandro Arduino, tác giả cuốn “Quân đội tư nhân của Trung Quốc: Bảo vệ Con đường tơ lụa mới”, cho biết Bắc Kinh nhận ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với người lao động nước này ở các nước đang phát triển nhưng lại không muốn gửi quân đội đến bảo vệ vì tuyên bố không can thiệp vào nước ngoài. Thay vào đó, Trung Quốc triển khai các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt và thuê thêm các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc.
Trung Quốc đã chọn Pakistan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh, để thể hiện sự đầu tư của nước này vào các quốc gia đang phát triển. Ước tính cho thấy, Bắc Kinh đã chi khoảng 25 tỉ USD để Islamabad xây dựng đường sá, nhà máy điện và cảng biển.
Mới đây, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif có chuyến công du đầu tiên tới Bắc Kinh kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4. Ông Sharif cam kết khôi phục lại các dự án BRI vốn bị tắc nghẽn dưới thời cựu Thủ tướng bị phế truất Imran Khan, người nghi ngờ các dự án năng lượng và cầu đường do Trung Quốc đầu tư có vấn đề tham nhũng và lãng phí. Trấn an sự lo ngại của ông Tập về vấn đề an toàn của công dân Trung Quốc tại Pakistan, ông Sharif cam kết sẽ tăng cường an ninh cho các dự án của Trung Quốc, đồng thời cho biết Bắc Kinh có thể đưa xe bọc thép sang Pakistan hỗ trợ an ninh.