Vụ án Chuyến bay giải cứu được xét xử cho thấy rất nhiều điều trong hệ thống chính trị Việt Nam, ngay trong nhận thức của những cán bộ đảng viên cao cấp, những người được học qua Học viện Chính trị, học lý luận cao cấp hẳn hoi. Nhưng sự hiểu biết của họ ngô nghê đáng ngại.
Hàng loạt cán bộ đã nhận hối lộ để câu kết thành lập hàng ngàn chuyến bay với danh nghĩa “giải cứu” nhưng thực chất là “cứu” những đồng tiền của người dân, sống lẫn đã chết. Nhưng, họ không biết rằng đó là nhận hối lộ, là có tội.
Khi đứng trước tòa để khai báo, những cán bộ lãnh đạo này hầu hết đều cho rằng: Hành vi của họ chỉ là nhận sự cảm ơn chứ không phải là nhận hối lộ.
Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao đã nhận hối lộ tổng cộng 37 lần với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp được cấp phép “Giải cứu” đã hồn nhiên nói rằng: “Sau khi các doanh nghiệp tổ chức bay xong thì họ chủ động liên hệ bị cáo. Bị cáo không có mưu đồ, không đòi hỏi gì. Doanh nghiệp họ đến tiếp xúc bị cáo để cảm ơn” nên “không nhận thức được” việc nhận tiền là vi phạm”.
Tương tự, Phạm Trung Kiên là thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, đã có 253 lần nhận hối lộ với số tiền trên 42,6 tỷ đồng. Kiên thậm chí còn quát thẳng vào mặt chủ doanh nghiệp ngay tại phòng họp của Bộ Y tế, yêu cầu phải có 150 đến 200 triệu đồng/chuyến bay. “chung chi” từ 500.000 đồng – 2 triệu đồng một khách. Đối với khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.
Như vậy, trong một quãng thời gian dịch bệnh Phạm Trung Kiên đã lập thành tích kỷ lục như sau: Tính đều cho 320 ngày làm việc, mỗi ngày anh ta nhận hối lộ 133,125 triệu đồng. Và tính trung bình cho mỗi giờ làm việc, anh ta nhận 16,6 triệu đồng.
Những cán bộ đảng viên này mặc nhiên coi việc họ nhận những khoản hối lộ tiền tỷ, chục tỷ để họ cho doanh nghiệp được cấp phép chuyến bay, là việc đương nhiên, là việc doanh nghiệp đến cảm ơn họ. Điều đó cũng có nghĩa là họ coi việc làm hàng ngày để ăn lương của dân, trên chiếc ghế quyền lực đó, chỉ là những việc làm ơn cho doanh nghiệp, cho người dân liên quan, nên doanh nghiệp, người dân phải cảm ơn họ là điều không có gì phải thắc mắc.
Và ở đó, họ không hề có cảm thức về việc tội lỗi khi nhận những đồng tiền đó.
Đó mới là một nguy cơ cho xã hội.
Khi người ta mất đi cảm thức về tội lỗi, về luật pháp thì việc khôi phục nhận thức cho xã hội sống và làm việc theo luật pháp là điều hết sức khó khăn, thậm chí là không tưởng.
Ngẫm lại, điều gì cũng có nguyên cớ của nó. Bởi không phải ngẫu nhiên mà xã hội đã đến mức mất đi cảm thức và tội lỗi, cán bộ mất đi cảm thức về việc giữ gìn, tuân thủ luật pháp.
Bởi tấm gương tày liếp là Tổng bí thư đảng đã ngang nhiên xé toạc Điều lệ đảng khi cố ngồi thêm một khóa, khi tự mình đạp lên luật pháp tự đề ra những cách thức “đốt lò”, bắt bớ, trị tội các phe phái khác tùy hứng mà không căn cứ một nguyên tắc luật lệ nào.
Và điều này đã được cha ông nói đến từ xưa: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”
15/07/2023
Vũ Mai