Từ ngày lên làm Tổng Bí thư Đảng CSVN, ông Tô Lâm đã có nhiều phát biểu làm dư luận chú ý.
Chẳng hạn, Tô Lâm nói: “Thể chế hiện nay là điểm nghẽn của điểm nghẽn” Điều này không mới,thiên hạ nói đến từ xa xưa. Thế nhưng có ai dám nói lên sự thật đó nếu họ không muốn vào tù vì “chống nhà nước CHXHCN”. Bởi những lời đó đi ngược với người tiền nhiệm. Mới năm trước thôi, Nguyễn Phú Trọng còn ngạo nghễ trước cử tri mà rằng: “Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng thể chế này là tốt nhất thế giới”, thế nên, Nguyễn Phú Trọng mới nhắm mắt thì lời nói này của Tô Lâm đã làm thiên hạ chú ý.
Mới đây, ngày 13/2/2025 TBT Tô Lâm thảo luận ở tổ tại Quốc hội, khi đề cập tới vấn đề năng lực cạnh tranh của quốc gia. Tô Lâm nói về nguy cơ Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia khác “đã được Đảng nhận ra từ Đại hội 6”, tức khoảng gần 40 năm trước. Tô Lâm nhắc lại câu nói đã nghe từ Thủ tướng Malaysia: “Nếu đi kiểu các ông không bao giờ đuổi kịp chúng tôi, nhưng nếu Việt Nam đổi mới, tính toán lại thì lợi thế hơn chúng tôi rất nhiều”.
Tô Lâm nói tiếp: “Như Singapore, cách đây 50, 60 năm, họ khó khăn lắm. Người dân Singapore còn nói khi đó được sang Sài Gòn, khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy là niềm mơ ước”… “Giờ đây thì ngược lại, mình mơ ước để sang Singapore khám bệnh”.
Trước đó, ngày 9/1 Tô Lâm đã nói: “Những năm 60, Sài Gòn – TP HCM là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng nhưng giờ đây tốc độ phát triển đã vượt rất xa”.
Điều đáng nói là: Đây là một sự thật hiển nhiên, qua câu nói này, chính Tô Lâm đã thừa nhận rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã phát triển hơn hẳn cái gọi là Thiên đường XHCN ở miền Bắc.
Đây là một điều mà xưa nay được xếp vào hàng cấm kỵ trong chế độ Cộng sản. Không chỉ cấm kỵ đối với người Cộng sản, với các đảng viên, mà còn là cả với một đất nước, một dân tộc. Bởi đơn giản, chỉ cần nghe nói đến chế độ VNCH với những ưu việt, thì lập tức đối tượng nói ra nghiễm nhiên là thế lực thù địch.
Bởi xưa nay, chỉ có cái gì của ta, mới là nhất, còn của địch thì tất tần tật chỉ có… xấu trở lên. Chính với tư duy này, mà câu chuyện dân gian về một cán bộ tuyên giáo đã tuyên bố rằng: “Xã hội ở miền Nam dưới thời Mỹ – ngụy là một xã hội phồn vinh, nhưng là phồn vinh giả tạo. Còn miền Bắc chúng ta, tuy là nghèo đói, nhưng là… nghèo đói thật”.
Điều quan trọng hơn nữa, đó là khi đem ra một ví dụ để so sánh với “Sài Gòn của Ngụy quyền” thì có nghĩa là Tô Lâm đã thừa nhận một điều: Sau hơn thế kỷ “Giải phóng” thì Đảng đã lãnh đạo đất nước đi ngược cho đến tình trạng ngày nay.
Dân tình râm ran bàn tán về một TBT có thể nói thẳng ra những điều của “thế lực thù địch” – nghĩa là thừa nhận những điều rõ như ban ngày, nhưng đảng xưa nay không chịu thừa nhận. Nghĩa là đảng vẫn biết những sự thật đó, chỉ có điều là xưa nay cứ thích và buộc phải nói ngược mà thôi.
Và người ta tự hỏi rằng: Vậy thì sau cái biết, sau những lời nói ấy, thì hành động tiếp theo của đảng sẽ là gì?
15.02.2025
Vũ Mai