“Con đường đi lên CNXH” của ông Trọng
Mới đây, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng một bài viết dài của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, với nội dung “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. (1)
Đọc bài viết dài này của ông Nguyễn Phú Trọng, bất kỳ sinh viên Việt Nam nào cũng thấy quen thuộc trước các luận điệu này, vì nó giống như các bài giảng chính trị thường gặp ở trong các chương trình đào tạo ở Việt Nam, mang tính giáo điều, sáo rỗng và lạc hậu. Mặc dù là người có thủ đoạn chính trị cũng “không phải dạng vừa”, nhưng bài viết này cho thấy sự bế tắc trong lý luận về chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam mà ông Trọng là tiêu biểu.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN
Trong bài viết này, ông Trọng đả kích các thể chế chính trị phương Tây, nhưng trớ trêu thay, những điều ông Trọng nêu ra, nó lại rất đúng với thực tại xã hội Việt Nam đương thời.
“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.” Ông Trọng đã viết như vậy trong bài báo của mình.
Bức tranh về xã hội Việt Nam đương đại, theo các nhà nghiên cứu thì Việt Nam chỉ là “xã hội chủ nghĩa” khi đến kỳ Đại hội Đảng, thực tế là “chủ nghĩa tư bản hoang dã” dưới cái tên gọi mỹ miều “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Các nhà lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có ông Trọng, chấp nhận việc phát triển kinh tế và hoà nhập với nền kinh tế toàn cầu nên cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải là kinh tế thị trường, nhưng nền kinh tế thị trường này gắn thêm “cái đuôi XHCN”. Điều này xuất phát từ lý luận Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc. Những năm 1990, các nước theo phe XHCN chết chìm trong kinh tế kế hoạch. Và Đặng Tiểu Bình đã giúp khai thông cho phe XHCN bằng lý thuyết “mèo trắng mèo đen cũng được, miễn là bắt được chuột”. Theo đó, họ Đặng. đã đưa ra lý luận “không chỉ chủ nghĩa tư bản mới có kinh tế thị trường, mà CNXH cũng có kinh tế thị trường”. Học theo lý luận của Đặng Tiểu Bình, các “lý thuyết gia Việt Nam” đã sáng tác ra cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên, vì sự can thiệp quá sâu của nhà nước (di chứng từ thời kinh tế kế hoạch) cho nên nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn chưa được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường, trong đó có Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ chưa chịu công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Một bài viết trên trang thông tin của Hội đồng lý luận trung ương (cơ quan đóng vai trò quan trọng về lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam) có tóm lược các tiêu chí để Mỹ chấp nhận là một nền kinh tế thị trường. Trong bài này, tác giả thừa nhận: “Để được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, theo pháp luật Hoa Kỳ, Việt Nam phải thỏa mãn các điều kiện bao gồm: đồng tiền của Việt Nam phải được chuyển đổi tự do, sự tự do thỏa thuận về tiền công của người lao động và người sử dụng lao động, Nhà nước không can thiệp vào các quyết định của doanh nghiệp và sự tự do cạnh tranh. Hoa Kỳ yêu cầu nền kinh tế thị trường phải là một nền kinh tế cạnh tranh công bằng, không ưu đãi đối với bất kỳ thành phần kinh tế nào.
Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), năm 2013, khu vực tư nhân ở Hoa Kỳ đóng góp 87% vào GDP ở nước này, trong khi khu vực Nhà nước chỉ đóng góp 13% GDP. Như vậy, có thể thấy, khu vực tư nhân đóng vai trò chủ yếu và đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở Việt Nam, mặc dù cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, tuy nhiên, theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2017, các doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đóng góp 43,2% GDP và 39% vốn đầu tư của toàn xã hội.” (2)
Chủ nghĩa tư bản thân hữu
Chính vì nền kinh tế thị trường méo mó với cái đuôi XHCN như vậy, xã hội Việt Nam mới xuất hiện các tội phạm như Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, thượng tá tình báo trong lực lượng Công an Việt Nam) hay Đinh La Thăng (Cựu Uỷ viên Bộ chính trị), chưa kể tới các nhân vật khác như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến – cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch UBND, Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh; Phan Thị Mỹ Thanh – cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai…
Nền kinh tế thị trường đầy méo mó này đã sản sinh ra một thứ gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Theo kinh tế gia Phạm Chi Lan thì: “Doanh nghiệp thân hữu gồm có ba nhóm là doanh nghiệp nhà nước, một số lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số ít doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ của Việt Nam.” (3)
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” chính là cái mà ông Trọng đã trước đây gọi nó là “nhóm lợi ích”. “Nhóm lợi ích” thực chất là sự cấu kết, thông đồng giữa những doanh nhân giàu có với những người có quyền lực trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để bòn rút tài sản nhà nước, của nhân dân. Sự cấu kết này làm cho người có tiền trở thành người có quyền lực chi phối và người có quyền lực sẽ trở thành người có rất nhiều tiền, không chỉ để họ trở nên giàu có mà còn có tiềm lực tham gia “thị trường” mua quan bán chức để chui sâu leo cao. Họ cùng chung mục tiêu thao túng được thật nhiều quyền lực và thật nhiều tiền.
Báo Vietnamnet cho biết: : “Rất nhiều quan chức có doanh nghiệp sân sau và một quan chức có rất nhiều doanh nghiệp sân sau. Cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra: “Có ông không chỉ một sân sau mà còn 2, 3 thậm chí là 13-14 sân sau.” (4)
Thực trạng kinh tế Việt Nam ngày nay đã xuất hiện rất nhiều tỉ phú đô la, đặc biệt trong số đó có nhóm tỉ phú Đông Âu (5). Nhóm này là nhóm các tỉ phú xuất thân có thời gian học tập hoặc làm việc tại các nước Đông Âu hoặc Liên Xô (trước đây). Các chuyên gia nhận định rằng, nhóm này vốn tận dụng được các mối quan hệ với các quan chức cao cấp trong chính quyền và có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi tài sản từ của nhà nước thành của tư nhân ở các quốc gia thuộc phe XHCN trước đây, vốn chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, cho nên đã áp dụng phương thức này ở Việt Nam và đã gặt hái thành công. Những cái tên tiêu biểu cho các tỉ phú này phải kể đến ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Vietjetair, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group…
Trong một bài viết trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, tác giả đã chỉ rõ rằng: “Các quốc gia chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang thị trường đều có chung vấn nạn là tư bản thân hữu.” “Có thể thấy, hầu hết các triệu phú và tỉ phú đô la của các nước có nền kinh tế chuyển đổi đều giàu lên nhờ chính sách và quan hệ trong các nhóm lợi ích. Không ít triệu phú đô la của Việt Nam có được khối tài sản qua quá trình tư hữu hóa rẻ mạt công sản, xẻ thịt đất công để chuyển thành đất dự án, hay thu hồi đất của dân với giá rẻ, sau đó chuyển mục đích sử dụng để bán với giá trị trường cao hơn gấp nhiều lần.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực ngân hàng cũng là nơi mà các nhóm tư bản thân hữu trục lợi qua việc chiếm dụng vốn, phù phép lãi suất ưu đãi, làm thất thoát bởi nợ xấu dẫn đến một số đại án ngân hàng gần đây.” (6)
Hiểm hoạ từ Trung Quốc
Ông Trọng và Đảng của ông có thể lờ đi, nhưng người dân Việt Nam thì biết rất rõ, mối nguy hiểm đối với toàn thể dân tộc, đất nước Việt Nam, đó chính là dã tâm bành trướng và các âm mưu thâm độc của Bắc Kinh, đặc biệt là dã tâm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu phương Tây đã chỉ ra rất rõ “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc đang áp dụng trên biển Đông như thế nào.
Tuy nhiên, có thể mở rộng ra rằng, “chiến thuật vùng xám” được Trung Quốc áp dụng tổng thể và trên tất cả các lĩnh vực.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử oai hùng của dân tộc Việt chống lại sự xâm lược và ách thống trị của các triều đại Trung Quốc, Bắc Kinh hiểu rằng không nên chiếm đoạt Việt Nam bằng vũ lực, vì điều đó sẽ kích thích lòng yêu nước của người dân Việt, nên sẽ dẫn tới những thất bại của Bắc Kinh. Chính vì vậy, Trung Quốc sử dụng những chiến thuật khác, vẫn đạt được mục đích nhưng không cần sử dụng chiến tranh quân sự, đó có thể là các dự án trong “Vành đai Con đường,” mà dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là tiêu biểu. Trong một bài báo trên báo Nhà nước Việt Nam, tác giả đã phải ngạc nhiên mà hỏi rằng: “Vấn đề đặt ra ở đây là nhà thầu Trung Quốc vốn đã có rất nhiều tai tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, nhưng sao họ vẫn dễ dàng có được nhiều hợp đồng tổng thầu ở Việt Nam?” (7). Câu trả lời quá ư đơn giản, đó là do tham nhũng cấu kết với ngoại bang.
Với “chủ nghĩa tư bản thân hữu” đang phát triển mạnh ở Việt Nam, việc dùng những chiến dịch quân sự sẽ rất tốn kém, chưa kể sự phản đối của cộng đồng quốc tế, cho nên, dùng những “bàn tay sắt bọc nhung” để tác động thông qua các nhóm lợi ích này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Dư luận Việt Nam có một thời gian đã xôn xao khi người Trung Quốc nuôi cá bè ngay trên Vịnh Cam Ranh, cách quân cảng Cam Ranh chưa đầy 3 km (8), hay đã sở hữu nhiều vị trí quốc phòng quan trọng (8).
Ngày 10/6/2018, đồng loạt người dân rất nhiều tỉnh thành đã đổ xuống đường biểu tình để thể hiện thái độ bất bình trước Luật đặc khu, vì người dân lo sợ rằng Luật này sẽ mở đường cho phía Trung Quốc “xâm chiếm dần dần” lãnh thổ Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đã từng cảnh báo nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam hoặc làm bình phong cho các doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng, hoặc lợi dụng hoạt động M&A để thâu tóm những nguồn lực quan trọng của Việt Nam, trong số đó, lợi dụng “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là dễ dàng nhất, vì các hoạt động của các doanh nghiệp này sẽ được nhà nước Việt Nam “bảo kê”.
Gần đây, báo chí cho biết tỉnh Quảng Ninh xin phá hơn 32 ha rừng phòng hộ để mở rộng một Khu công nghiệp do Trung Quốc đầu tư.
Rất nhiều dự án điện tái tạo đã rơi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc. Các dự án điện gió tại Tây nguyên – nơi có vị trí quan trọng của Việt Nam cũng nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp Trung Quốc.
Mới đây, báo chí đã thông tin tập đoàn Alibaba của Jack Ma đã bỏ ra 400 triệu USD để mua một công ty con trong Tập đoàn Masan của tỉ phú Đông Âu Nguyễn Đăng Quang. Đây là một trường hợp hiếm hoi thông tin được công khai. Còn bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam “bán linh hồn cho quỷ” thì chưa thể biết được.
Các nước phương Tây đã chỉ ra mối quan hệ giữa các mưu đồ chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc được thực hiện thông qua các doanh nghiệp Trung Quốc, chính vì vậy, nguy cơ Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp để thâu tóm và chi phối các nguồn lực quan trọng của Việt Nam, đó mới hiểm hoạ thực sự của dân tộc và đất nước Việt Nam.
Bài viết nhận định của Hải Triều