Chống tham nhũng có liên quan với chủ nghĩa tư bản thân hữu đang ngày càng nghiêm trọng. Làm rõ mối liên hệ này là yêu cầu thực tế để cải cách chính trị.
Cựu Chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung, người đã bị phạt tù năm năm về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” vào cuối năm 2020, mới đây vào ngày 26/7/2021 lại bị đề nghị truy tố trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hoá hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở KH&ĐT. Cùng với ông Chung, nhiều bị can khác cũng bị truy tố như cựu Chánh Văn phòng Thành ủy, Giám đốc Sở, cựu Chánh văn phòng; cựu Phó giám đốc, cựu Trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT và hai lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh. Vụ án này được tách ra từ vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan. Đây là vụ án điển hình xảy ra gần đây nhất phản ánh tình hình chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa thân hữu nghiêm trọng.
Thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (tiếng Anh: crony capitalism) đầu tiên được sử dụng vào những năm 1980, để mô tả nền kinh tế Philippines dưới chế độ độc tài của Ferdinand Marcos. Nó được sử dụng để mô tả các quyết định của chính phủ có lợi cho tay chân của các quan chức chính phủ. Thuật ngữ chủ nghĩa tư bản thân hữu đã tạo ra một tác động đáng kể trong công chúng như một lời giải thích về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 như ở Thái Lan và Indonesia. Theo khái niệm chung, chủ nghĩa tư bản thân hữu còn gọi là tư bản thân tộc, tư bản lợi ích nhóm, hay đôi khi doanh nghiệp sân sau, là thuật ngữ dùng để miêu tả nền kinh tế dựa trên mối quan hệ khắng khít giữa doanh nghiệp và quan chức chính phủ để chiếm đoạt, tham nhũng hay trục lợi. Trong kinh tế thị trường những hình thức ân huệ, ưu đãi và nhiều kiểu trợ giúp kín đáo, tinh vi khác của quan chức chính quyền được dành cho các nhóm thân quen, nhóm lợi ích mà các doanh nghiệp bên ngoài khác không thể tiếp cận được.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu tồn tại dưới các hình thức và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ở mức độ thấp nhất, đó là sự cấu kết giữa các bên tham gia thị trường được chính phủ chính thức chấp nhận hoặc khuyến khích. Mặc dù có thể là cạnh tranh “nhẹ” với nhau, nhưng họ cùng tham gia trong các hiệp hội thương mại hoặc công nghiệp để yêu cầu trợ giúp pháp lý hay trợ cấp trong những tình huống khẩn cấp từ chính phủ. Chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng tồn tại dưới hình thức khi các tập đoàn tư nhân thống trị toàn bộ nền kinh tế hoặc các ngành công nghiệp có giá trị nhất trong một nền kinh tế kiểu như các Cheabol ở Hàn Quốc.
Đối với Liên bang Nga, nền kinh tế dựa vào tài nguyên, một chế độ dân quyền siêu giàu có và trung thành với sự tồn tại của chủ nghĩa độc tài là nét đặc trưng. Nhà kinh tế học người Thụy Điển Anders Åslund trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Nga: Con đường từ kinh tế thị trường đến chế độ tập quyền” (2019) đã khám phá rằng Tổng thống Nga V. Putin, bằng cách bổ nhiệm các cộng sự thân cận của mình làm người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước và trao quyền kiểm soát cơ quan an ninh và tư pháp cho những người bạn của mình từ KGB, từ quê hương Saint Petersburg để họ làm giàu bằng các giao dịch ưu đãi của chính phủ.
Đối với Trung Quốc, chế độ chính trị tương đồng với Việt Nam, chủ nghĩa tư bản thân hữu đã ăn sâu vào đời sống xã hội. Mối liên hệ quyền lực và doanh nghiệp chằng chịt, phức tạp ở các cấp chính quyền đã được mô tả bởi GS Bùi Mẫn Hân (Pei Minxin) trong tác phẩm “Tư bản thân hữu Trung Quốc”, năm 2016 (đã được dịch và phát hành ở Việt Nam năm 2018 bởi Nhà xuất bản Hội nhà văn.) Trước đó 10 năm, GS Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian) nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, người ủng hộ quá trình chuyển đổi sang thị trường tự do, đã chỉ ra kết cục khó tránh khỏi.
Ở Việt Nam chủ trương Đổi mới, tương tự như chính sách “Cải cách và Mở cửa” ở Trung Quốc, đã khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chuyển đổi kinh tế sang thị trường đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản về thực chất. Quá trình tích luỹ “nguyên thuỷ” và làm giàu ở Việt Nam mang những đặc trưng riêng. Nhiều người Việt học tập và làm việc ở Đông Âu trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa đang sụp đổ trước và sau năm 1990 có vai trò nhất định trong việc tạo “vốn – tư bản” kết hợp với lao động, đất đai, tài nguyên trong nước nhờ những quan hệ thân hữu để trở thành “các nhà tư sản dân tộc”. Họ đã tạo ra một con đường riêng đến chủ nghĩa tư bản thân hữu. Một thời như vậy, “hoang dã” và “hỗn loạn”, đã được tác giả Nam Nguyên mô tả khá cụ thể trong “Đông Âu Anh hùng truyện” (2020). Tuy nhiên, một số người trong họ đã thành công và có tên trong tạp chí nổi tiếng Forbes, ghi danh những người giàu nhất trên khắp thế giới.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu nghiêm trọng ở Việt Nam được phơi bày, như một hệ quả nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân của tình hình “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế” trong những năm 2010s. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo, quản lý rủi ro lỏng lẻo, các tổ chức tín dụng này bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, “nhóm lợi ích” giữ chức danh lãnh đạo. Họ đã biến nhiều ngân hàng để phục vụ các công ty sân sau của mình, dẫn đến nợ xấu. Trong lĩnh vực nhà đất, các dự án đầu tư công, kể cả các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ hay tương đương… “cơ chế xin – cho” đối với tài sản công đã khiến “bộ phận không nhỏ” các quan chức “hư hỏng”. Hơn thế, thực trạng “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” trong giai đoạn này là “đáng báo động” và “có nguy cơ lan rộng”, kể cả ở “những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch”, như lời “bộc bạch” trên báo mạng Tuoitre.vn năm 2015 của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016.
Tình hình đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp bởi chính thực chất vấn đề. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong báo cáo tổng kết đánh giá bảy năm hoạt động (2013-2020) đã chỉ ra trong số hàng chục nghìn cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật, kể cả các lãnh đạo thuộc diện trung ương quản lý, thì các vụ án về tội danh tham nhũng và lợi dụng chức quyền chiếm tỷ lệ không nhỏ. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư tại kỳ họp thứ 5 của ngày 4/8/2021 cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm bị trừng phạt, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập… Cũng tại kỳ họp này có bốn Phó chủ tịch, nguyên Phó chủ tịch Hà Nội có quyết định bị kỷ luật và hai nguyên Phó chủ tịch TP. Hồ Chí Minh bị đề nghị Ban Bí thư kỷ luật…
Chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thuật ngữ không sử dụng thuật ngữ trong các văn bản chính thống do “nhạy cảm” chính trị, nhưng đó là một thực tế đòi hỏi giới lãnh đạo nhìn thẳng vào sự thật và giới nghiên cứu để tâm hơn. Chủ nghĩa tư bản thân hữu là một xu hướng không tránh khỏi và một đặc điểm của chủ nghĩa tư bản, có liên quan đến quyền lực của Đảng và Nhà nước. Chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thân hữu như hiện nay bằng quyền lực tuyệt đối chỉ nên coi là giải pháp cấp bách, dù có quyết liệt nhưng chứa đựng nhiều rủi ro. Cải cách thị trường dựa vào các quy luật, nguyên tắc vận hành của nó và kiểm soát quyền lực bằng đối trọng và cơ chế giám sát bởi người dân cần được cho là chính sách căn cơ cần được ưu tiên cho vấn đề.