Lâu nay chúng ta vẫn bày tỏ sự phẫn nộ trước những bản án phi lý phi nhân của nhà cầm quyền dành cho những nhà hoạt động dân sự, những người bất đồng chính kiến, những người bị đàn áp vì tôn giáo…Những bản án dành cho họ theo thời gian càng ngày càng nặng nề, khắc nghiệt hơn: 9 năm tù dành cho nhà báo Phạm Đoan Trang, tổng cộng 26 năm tù dành cho 3 mẹ con nhà hoạt động Cấn Thị Thêu (8 năm), Trịnh Bá Phương (10 năm), Trịnh Bá Tư (8 năm), 37 năm tù dành cho ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc Lập-trong đó Tiến sĩ Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù, trước đó nữa Kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đã phải nhận 16 năm tù, nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù, Mục sư Tin lành Đinh Diêm thuộc Hội Thánh Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ ở Quảng Ngãi 16 năm tù…
Con số tù nhân lương tâm ở Việt Nam theo công bố mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), hiện đang là 253 người, tuy nhiên tổ chức thống kê cũng cho rằng con số thực có thể còn cao hơn.
Khi tai họa giáng xuống đầu, thì không chỉ cuộc sống của những người bị đi tù mà cả gia đình người thân của họ cũng bị mất mát, xáo trộn, ảnh hưởng nặng nề, nhất là những đứa trẻ thơ phải thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ, tình yêu thương của cha hay mẹ trong nhiều năm dài. Nếu bố hay mẹ đi tù nhưng gia đình còn lại một người kia thì cũng còn là may mắn, nhưng có những trường hợp mẹ đơn thân như blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước đây, khi chị bị tù chỉ có người mẹ già chăm hai con nhỏ, may sao 3 mẹ con chị và cả mẹ già giờ đây đã đoàn tụ cùng nhau và đang sống tại Mỹ; blogger Đoàn Thị Hồng, một người bảo vệ môi trường, bị bắt tháng 9 năm 2018, khi đó con gái của chị chỉ mới 30 tháng tuổi, và kể từ đó em gái của chị đã thay chị chăm sóc bé.
Trong vụ Đồng Tâm, một số dân làng đã bị bắt và bị cáo buộc chống người thi hành công vụ, tham gia vào việc thiêu chết 3 sĩ quan cảnh sát-một lời cáo buộc mà ai cũng thấy là vô lý, ngụy tạo. Trong đó, như ông Bùi Văn Tiến và bà Trần Thị Phượng bị bắt và bị khởi tố về tội giết người. Họ có ba người con sinh năm 2007, 2013 và nhỏ nhất sinh năm 2018, mới 18 tháng vào thời điểm bị cha mẹ bắt. Cả ba đứa trẻ được để lại cho bà chăm sóc. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Tiến và bà Đào Thị Thanh Kim, có 3 con sinh năm 2004, 2007 và 2013. Bà mẹ đơn thân Trần Thị Là, bị bắt, bỏ lại một đứa con. Ông Nguyễn Văn Quân, một người cha đơn thân của 3 đứa con, cũng bị bắt về cùng tội danh.
Các nhà chức trách Việt Nam đã vi phạm Bộ luật Hình sự của Việt Nam, Điều 67 và Điều 68, cũng như Điều 9 của UNCRC (Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (UN Child Rights Committee (CRC) bằng cách bắt giữ cha mẹ của trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Điều 67 và 68 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam của chính họ tuyên bố rằng người bị kết án có con dưới 36 tháng tuổi có thể có bản án hoãn lại cho đến khi đứa trẻ được 36 tháng tuổi, nếu bị cáo là người làm ra nguồn thu nhập duy nhất của gia đình và sự tù đày của người đó khiến cho gia đình phải đối mặt với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, người đó có thể được hoãn thi hành án lên đến 1 năm.
Trong trường hợp blogger bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy, đã bị tuyên án 2 năm 9 tháng vì tội danh “xúc phạm quốc kỳ” vào ngày 30 tháng 11 năm 2018. Bản án được đưa ra khi Huỳnh Thục Vy có một con gái nhỏ dưới ba tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai, nên theo quy định của pháp luật Việt Nam, Huỳnh Thục Vy không phải thực hiện án tù cho đến khi con tròn ba tuổi. Nhưng đến 1 tháng 12 năm 2021 thì chị bị bắt lại, khi đứa con đầu 5 tuổi và đứa thứ hai chưa tròn 3 tuổi.
Xót xa hơn nữa là trường hợp của những đứa trẻ hoàn toàn không có cha hay mẹ, chỉ có người bảo trợ, nay người đó cũng bị tù, như trường hợp của những đứa trẻ mồ côi tại Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ.
Vào ngày 21.7 vừa qua tòa án huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tuyên án 6 thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai (hay còn gọi là Thiền Am Bên bờ Vũ trụ) tổng cộng 23,5 năm tù, trong đó ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, bị kết án 5 năm tù vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.”
Trừ ông Lê Tùng Vân già yếu, có ít nhất 3 thành viên trong 5 người còn lại là lao động chính nuôi hai mươi mấy người gồm có trẻ em, người già, các nữ tu tại gia. Nay họ đi tù, những người còn lại và nhất là 10 đứa trẻ thơ mồ côi từ 8 tháng tuổi đến 8 tuổi, gồm 6 trai 4 gái, bị tách khỏi những người chăm sóc và đang đối mặt với một tương lai vô định. Trước đó, trong suốt cả một thời gian dài, từ công an cho tới toàn bộ truyền thông dòng chính, một số nhân vật có vị thế trong Giáo hội Phật giáo VN như nhà sư Thích Nhật Từ…đã vu khống, bịa đặt các thành viên của Thiền Am những tội danh kinh khủng như loạn luân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người khác v.v…Hàng ngàn, hàng triệu người dân nghe theo truyền thông nhà nước, nghe theo những Youtuber xạo láo câu views đã hùa theo chửi bới, chế diễu, sỉ nhục các thành viên của Thiền Am, có ai đó còn ghé tận mặt những đứa trẻ thơ 3, 4 tuổi chụp hình làm “gia phả loạn luân” đưa lên rồi đua nhau xúc phạm họ.
Cần phải hiểu rằng dưới chế độ độc tài toàn trị chuyện không có mà đảng và nhà nước cộng sản VN còn dựng thành có, thì trong quá trình điều tra nếu tìm thấy bất cứ bằng chứng nào dù nhỏ nhất về tội loạn luân hay lừa đảo, chắc chắn nhà nước này và công an sẽ không tha. Nhưng cuối cùng phiên tòa đã diễn ra mà hoàn toàn không nhắc gì đến tội loạn luân hay lừa đảo, nhưng từ báo chí nhà nước cho tới những Youtuber, dân thường có ai có một lời xin lỗi ông Lê Tùng Vân và các thành viên của Thiền Am? Và những đứa trẻ mồ côi, dù còn nhỏ nhưng nếu chúng nghe được những lời như vậy đến tai, nhìn cảnh Thiền Am nhiều lần bị côn đồ vào đập phá, sau đó bị công an vào lục soát, bắt bớ những người chăm sóc chúng lâu nay mang đi, tâm hồn chúng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Những ai đã từng trải qua những năm tháng có cha mẹ, người thân bị bắt vì liên quan đến những tội danh “phản động” hay bị trù dập vì có cha mẹ là trí thức, văn nghệ sĩ dính dáng tới những vụ án kiểu như Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc trước ngày 30.4.1975, những ai đã từng trải qua những năm tháng mà gia đình bị liệt vào thành phần “ngụy quân ngụy quyền”, có cha đi “học tập cải tạo” ở miền Nam sau ngày 30.4.1975… đểu hiểu cái cảm giác cô đơn, thiếu vắng người cha hay người mẹ trong nhà, ra ngoài xã hội thì bị xa lánh vì sợ bị liên lụy hay bị phân biệt đối xử…như thế nào. Tất cả những điều đó đều để lại những vết sẹo trong tâm hồn suốt một thời gian dài.
Và bây giờ, mấy chục năm sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo trên toàn cõi Việt Nam, danh sách số người phải đi tù vì đòi tự do ngôn luận, đòi tự do tôn giáo, phản đối bị nhà nước cưỡng chế đất đai hay đòi những quyền lợi căn bản nhất của con người một cách ôn hòa vẫn tiếp tục nối dài, bỏ lại bên ngoài song sắt những đứa trẻ lớn lên với tâm hồn bị tổn thương sâu sắc, hoặc bị cướp đi cơ hội vươn lên bình đẳng như những đứa trẻ khác trong xã hội.
Từ ngày 29.8 đến ngày 23.9 tại cuộc họp của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (UN Child Rights Committee (CRC), Geneva, các quốc gia: Bắc Macedonia, Ukraine, Uzbekistan, Nam Sudan, Đức, Việt Nam, Philippines và Kuwait sẽ phải trải qua cuộc rà soát về thực thi Công Ước LHQ về Quyền của Trẻ Em.
Không chỉ là những thiếu sót trong việc thực thi đầy đủ quyền được cung cấp giáo dục và y tế công bằng cho mọi đứa trẻ, hay tình trạng nạn bạo hành, xâm hại tình dục…mà quốc gia nào cũng phải đối mặt, Việt Nam chắc chắn sẽ có rất nhiều điều để giải trình, trong đó có chuyện vi phạm quyền trẻ em, thậm chí trừng phạt những đứa trẻ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm nhân quyền, quan điểm chính trị của cha mẹ chúng.