Báo viết và báo mạng Việt Nam ngày 27/7 đăng lên đầu trang chân dung kèm những tuyên bố, lời hứa của bốn lãnh đạo cấp cao được bầu lại tại kỳ họp thứ nhất Quốc Hội Khóa 15 cho nhiệm kỳ năm năm tới. Những tuyên bố và hứa hẹn của họ có gì mới?
**************
Bốn lãnh đạo cao cấp, mà báo chí loan tin được gần 500 đại biểu Quốc Hội bầu chọn cho nhiệm ký năm năm tới là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
“Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án tòa tối cao đã được lãnh đạo Đảng Cộng sản lựa chọn, việc đưa ra bầu ở Quốc Hội chỉ là hình thức thô thiển, gây ra lãng phí và sự nhàm chán. Lời tuyên thệ của bốn ông có nội dung hoàn toàn giống nhau, được chép ra từ một mẫu soạn sẵn. Các ông đọc tuyên thệ với một giọng sáo vẹt, vô hồn”
“Ông Nguyễn Hòa Bình được bầu làm Chánh án Tòa Tối cao là một sự ngỡ ngàng của nhiều người sau vụ ông đã dẫm đạp lên công lý ở phiên ‘phúc thẩm, kết tội oan cho Hồ Duy Hải’. Phải chăng đây là một vết mờ ám. Nghe ông nói về cải cách tư pháp, về công bằng và nhân văn trong hoạt động tòa án mà nhiều người không nhịn được sự cười đùa và chế nhạo. Nhân dân đang đợi xem”.
Đó là cảm nghĩ đầu tiên có chút vướng mắc của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, từng là đảng viên có tinh thần cầu tiến, quan tâm đến chính trường Việt Nam.
Trong khi đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương ĐCSVN, ông Nguyễn Khắc Mai, cho rằng:
“Họ đã dùng công thức ‘Đảng cử- dân bầu’. Khi ra ứng cử thì bốn ông này không hề có chương trình tranh cử, mà bây giờ thì người ta đã bầu rồi”
“Nhưng trường hợp Nguyễn Hòa Bình riêng tôi thì tôi bất mãn. Một ‘anh chánh án’ đánh mất uy tín tòa án, vi phạm quyền thụ hưởng công bằng và lẽ phải của nhân dân, chà đạp luật pháp và Hiến pháp, thế mà Quốc Hội theo lệnh ai mà vẫn bầu ông này ra. Tôi thấy nó hạ thấp uy tín của thể chế, của Nhà Nước lại”.
Tại buổi công bố tín nhiệm bốn khuôn mặt lãnh đạo mới, các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Nguyễn Hòa Bình đã lần lượt đưa ra những tuyên bố gọi là cam kết với cử tri.
Trong tư cách nhân sự duy nhất được đề cử vào chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Xuân Phúc cam kết rằng “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ gìn và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước”.
Chủ tịch nước đáng ra phải là người đại diện cho tinh hoa của dân tộc, nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc được đặt vào vị trí đó chỉ theo đà từ chức Thủ tướng chuyển lên chức Chủ tịch nước theo sự phân công, theo lời Giáo sư Nguyễn Đình Cống:
“Ông tỏ ra là người tích cực, hăng hái trong một số công việc, nhưng hiểu biết kém về một số lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, lại hay bốc đồng, nói ra những lời thiếu chín chắn. Dân Việt Nam không thể tự hào khi có một Chủ tịch nước như vậy. Một số người còn cảm thấy xấu hổ, không thể trông chờ gì vào trí tuệ, tình cảm và ý chí của một ông Chủ tịch nước như vậy”.
Ông Phạm Minh Chính thì được truyền thông Nhà nước ca ngợi là vị Thủ tướng thứ 10 trong lịch sử kể từ năm 1945 đến nay, đưa ra nhiều cam kết trong bài phát biểu nhậm chức dài 12 phút. Ông Phạm Minh Chính khẳng định nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu của Chính phủ và Thủ tướng là tập trung trí tuệ, nguồn lực cùng với các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắc-xin để chống dịch thành công. “Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly”, Thủ tướng chia sẻ.
Người được tín nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ, cam kết nâng cao chất lượng của công tác lập pháp, xây dựng kỷ luật, kỷ cương, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Ngoài ra, ông hứa sẽ thay đổi phương thức chất vấn và trả lời chất vấn.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết cảm tưởng:
“Ông thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch quốc hội Vương Đính Huệ phải là những nhà hoạch định chiến lược. Vừa qua các ông cũng có vài phát biểu đáng quan tâm, chứng tỏ có suy nghĩ, nhưng nói được mới chỉ là một phần và nhiều người cũng nói được như thế. Còn chờ xem các ông làm được gì và làm như thế nào”
“Ông Chính tỏ ra hăng hái, xông xáo nhiều nơi, quá mức cần thiết đối với một nhà chiến lược. Xông xáo vào một số việc cấp thiết có thể là cần trong ngắn hạn, nhưng xem đó là việc thường xuyên của một Thủ tướng thì sẽ lợi bất cập hại. Thủ tường nên tập trung vào việc hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện”
“Ông Huệ cũng chỉ nói chung chung, chưa thấy có gì mới về việc làm luật và tổ chức phản biện tại Quốc Hội”.
Bốn ông lãnh đạo ra trước Quốc Hội nhiều phần chỉ để phát biểu những gì đã có trong cương lĩnh ĐCS thôi sao, là câu hỏi của đảng viên lão thành Nguyễn Khắc Mai đặt ra:
“Cái nhân dân chúng tôi mong đợi là trước hết họ hiểu thế nào, họ đánh giá thế nào về tình hình đất nước trước vô vàn khó khăn: COVID, kinh tế, đầu tư, Trung Quốc, Biển Đông vân vân. Ông Chính có nói tập trung chống dịch là nhiệm vụ lớn của chính phủ, coi như là nói chung cho cả 4 ông rồi”.
“Một là họ cho rằng những điều ấy đã được nói trong cương lĩnh của Đảng rồi và họ là người thừa hành. Cách thứ hai là họ tránh, họ sợ hớ khi nói về những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước và đó trở thành thói quen”
Dù sao thì Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề cập đến những cái khá mới là phân cách, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao năng lực cấp dưới, tháo gỡ những điểm tắc nghẽn về chế độ, chính sách, ông Nguyễn Khắc Mai phân tích tiếp:
“Tức là ông đã đặt vấn đề phải thay đổi, ít ra là cái năng lực của bộ máy. Đấy là cái mà tôi nghĩ có thể thừa nhận được”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không sai khi bảo là phải thực hiện đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn các gia trị lịch sử, giữ gìn bản sắc văn hóa, hài hòa b lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường…nhưng:
“Ngay cái đại đoàn kết dân tộc thì ông Phúc có thấy là cái phân ly của dân tộc hiện đang còn rất lớn không? Điều gì tạo ra cái phân ly ấy? Nếu không nhận thức được thì nói đại đoàn kết dân tộc cũng như vẹt nói lại thôi”.
Được hỏi về Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Khắc Mai đánh giá:
“Ông này có tướng phúc hậu, có học hành đàng hoàng, có kiến thức chuyên ngành. Một nhân vật kỹ trị như thế hiện nay là đang cần”
“Ông nói đến cải tiến và nâng cao năng lực của Quốc Hội thì đấy là chuyện quá rõ, bởi vì Quốc Hội hiện nay là quá kém, gần như không làm được gì hết. Ông ấy nói tạo hành lang pháp lý đầy đủ để phát triển bền vững, thì nhiệm vụ quan trong nhất phải giải quyết được Luật Đất đai sao cho đàng hoàng, tử tế, nhân văn và dân tộc”
“Nhưng liệu ông có đi tới được Luật Đất đai, thứ hai là Luật về hoạt động của tư nhân trong sản xuất, kinh doanh, và thứ ba là Luật về hoạt động của Đảng trong khuôn khổ luật pháp nào chứ không thể chỉ Điều IV”.
Về cam kết từ Chánh án TAND Tối Cao Nguyễn Hòa Bình, là cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng và uy tín của Tòa án, làm sao cho người dân thụ hưởng công bằng và lẽ phải trong từng phán quyết của Tư pháp, chấp hành nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật, ông Nguyễn Khắc Mai đưa ra lời chỉ trích:
“Ông nói như thế nhưng chính ông là người có tội trên cả ba vấn đề này. Không ai làm mất uy tín của Tòa Án bằng Nguyễn Hòa Bình, không ai hạ thấp chất lượng hoạt động của tòa án như Nguyễn Hòa Bình, cũng không ai cướp đi lẽ công bằng và lẽ phải trong phán quyết của Tòa như Nguyễn Hòa Bình. Bây giờ trong cương vị mới thì ông ta nói để mà chạy tội”.
Chuyện ở đây không phải là chuyển giao thế hệ mà chỉ là bước tiếp theo trong nhân sự cấp cao, đã được bầu từ Đại Hội XIII ĐCSVN vừa qua, là ý kiến nhà nghiên cứu chính trị, thạc sĩ Đinh Kim Phúc:
“Vì lãnh đạo cao cấp mà chưa có vị nào sinh sau năm 1965. Nếu gọi là kỳ vọng thì riêng bản thân tôi không kỳ vọng gì cả. Tôi cũng như nhiều người khác đang xem những bước đột phá của Chính phủ của Nhà nước trong thời gian tới”
“Nhưng những gì đã diễn ra trong hai tháng vừa qua, cho thấy nếu lãnh đạo cao cấp sáng suốt cỡ nào, trình độ cỡ nào mà cán bộ cấp cơ sở, cấp tỉnh thành không phân biệt được đâu là lương thực đâu là thực phẩm, thế nào là hàng hóa thiết yếu cho con người thì đó là một tai họa”
“Nhìn lại danh sách lãnh đạo các tỉnh thành, người nào cũng hai ba bằng cấp, cũng là lý luận chính trị cao, mà trình độ và kiến thức phổ thông không có thì cho dù lãnh đạo cao cấp tài giỏi cỡ nào cũng không thể khắc phục được”.
Chí ít, theo thạc sĩ Đinh Kim Phúc, kiến thức và sự hiểu biết là kỳ vọng mà người dân trông chờ nơi cấp lãnh đạo cao nhất nước trong những ngày tới.
Theo: Thanh Trúc RFA