Tại Hội nghị trung ương 5 khóa 13 của đảng CSVN đã kết thúc, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã được Hội nghị nhất trí thông qua.
Tức là, hiện nay ngoài Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực ở trung ương do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, thì sẽ có thêm 63 Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở 63 tỉnh, thành phố.
Trong khi đó, hệ thống chính trị của đảng, chế độ và nhà nước CSVN có rất nhiều các cơ quan khác nhau được giao nhiệm vụ thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng như: Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra từ trung ương tới cấp huyện.
Ngoài ra còn có Ban Nội chính ở trung ương và 63 tỉnh thành để giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Phải nói là trên thế giới, không có người dân của quốc gia nào phải đóng thuế để nuôi nhiều cơ quan chống tham nhũng đến vậy.
Trên thế giới, ở các quốc gia tự do, dân chủ đa đảng văn minh, tam quyền phân lập thì việc chống tội phạm nói chung và tội tham nhũng nói riêng đã được Hiến pháp và pháp luật trao cho hệ thống các cơ quan tư pháp.
Ngoài hệ thống cơ quan tư pháp, các đảng đối lập, các cơ quan truyền thông độc lập, các tổ chức xã hội dân sự và mọi người dân đều tham gia giám sát các quan chức chính quyền.
Ở các quốc gia dân chủ đa đảng thì tội phạm tham nhũng chỉ là cá biệt, rất hiếm khi xảy ra.
Vậy nên, các quốc gia dân chủ đa đảng không bao giờ cần có một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng.
Chính quyền trung ương cũng như chính các địa phương không được can thiệp vào việc chống tham nhũng của các cơ quan tư pháp.
Các đảng phái chính trị cũng không được can thiệp vào hoạt động của các cơ quan tư pháp, cho dù có thành viên của đảng đứng đầu cơ quan tư pháp.
Hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp là độc lập.
Năm 2011, sau khi ngồi vào ghế Tổng bí thư nhiệm kỳ đầu, ông Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chống tham nhũng vừa để củng cố quyền lực vừa để cứu đảng, cứu chế độ.
Thành tựu sau hơn 10 năm chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là càng chống tham nhũng thì các vụ tham nhũng sau càng lớn hơn các vụ tham nhũng trước về số tiền tham nhũng, số quan chức dính vào tham nhũng, chức vụ cao hơn, phạm vi ở nhiều ngành, nhiều cấp hơn,…
Các quan chức CSVN đã bị bắt đều bị xử với mức án khá nặng, có người bị tử hình, chung thân, 30 năm,…
Nhưng những quan chức chưa bị bắt thì hầu như không có một chút sợ hãi nào. Họ vẫn bình thản tham nhũng và hưởng thụ những thành quả tham nhũng được.
Ví dụ: Vụ Ủy viên Bộ chính trị, đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thản nhiên thưởng thức món thịt bò dát vàng trị giá 10 tấn lúa của nông dân.
Các vụ tham nhũng ở các địa phương còn khủng khiếp hơn nhiều, khiến cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực không đủ khả năng để chỉ đạo tới các địa phương.
Bởi vậy, các địa phương cũng đòi thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh.
Hiển nhiên, đây là sự thất bại toàn diện của ông Nguyễn Phú Trọng. Nguyên nhân?
Tham nhũng là bản chất của đảng, chế độ và chính quyền độc tài CSVN. Quan chức độc tài CSVN với 100% đều tham nhũng. Bắt kẻ trước, kẻ sau lên thay thế lại tiếp tục tham nhũng một cách tinh vi hơn.
Cho nên việc thành lập thêm Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh cũng không thể chống được tham nhũng. Thậm trí còn gây ra nhiều rất nhiều bất cập ở địa phương.
Ở trung ương, có ông Nguyễn Phú Trọng chỉ tham nhũng chức vụ, còn ở địa phương thì bí thư, chủ tịch,… đều là các ông vua tham nhũng chức vụ cũng như lợi ích kinh tế.
Vậy nên Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh lại chính là Ban bao che tham nhũng cấp tỉnh.
Giải pháp nào để phòng chống tham nhũng triệt để?
Thứ nhất là chấp nhận quyền tự do ngôn luận và báo chí tư nhân của công dân;
Thứ hai là chấp nhận đa nguyên, đa đảng đối lập;
Thứ ba là sửa đổi bỏ điều 4 hiến pháp, chấp nhận tam quyền phân lập;
Thứ tư là làm luật bầu cử mới và tiến hành tổng tuyển cử tự do và công bằng.