Chính phủ Anh quyết định mở cửa hoàn toàn từ ngày 19.7, kể cả việc không bắt buộc người dân phải mang khẩu trang hay giãn cách xã hội. Nhưng chính phủ cũng tuyên bố các cơ sở y tế và chăm sóc ở Anh cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng (Infection Prevention and Control measures (IPC) thích hợp, đồng thời “mong đợi và khuyến cáo mọi người tiếp tục đeo khẩu trang trong những không gian kín, đông đúc”.
Một điều thú vị là từ hôm qua, hôm nay, người viết bài này đã nhận được qua hộp thư điện tử, những lá thư ngỏ của một vài nơi như tiệm cắt tóc, tiệm kính, các cửa hàng mà tôi có liên hệ hoặc là khách hàng quen, tuyên bố vì sự an toàn của các khách hàng và nhân viên, khách hàng vẫn được yêu cầu tiếp tục đeo khẩu trang khi ở trong các nơi này để bảo vệ những người dễ bị tổn thương hơn và những người chưa được tiêm phòng, cửa hàng cắt tóc vẫn yêu cầu khách hàng phải kiểm tra thân nhiệt khi vừa bước vào cửa. Nhân viên thì vẫn tuân thủ các quy định về IPC và PPE (Personal protective equipment) tức là thiết bị/phương tiện bảo hộ cá nhân (tùy theo tính chất công việc, PPE có thể là khăn choàng bảo hộ, găng tay, kính bảo hộ và giày, nút bịt tai hoặc bịt tai, mũ cứng, mặt nạ phòng độc hoặc quần yếm, áo vest và bộ quần áo toàn thân v.v…), tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể, bao gồm cả việc sử dụng chất khử trùng và rửa tay thường xuyên.
Các cơ sở này vẫn bảo đảm duy trì giãn cách xã hội bên trong nhà, tiếp tục thanh lọc tất cả các khu vực, duy trì hệ thống thông gió tốt trong suốt quá trình làm việc…
Họ cũng nhắc nhở khách hàng, Covid đã không biến mất bằng bất kỳ cách nào (các trường hợp bị lây nhiễm vẫn tiếp tục), một số người vẫn gặp rủi ro, hoặc một mình hoặc từ những người dễ bị tổn thương mà họ sống cùng. Nhưng mặt khác, tiệm cắt tóc cũng cho biết, trong khi họ đặc biệt khuyến nghị tất cả nhân viên và học sinh tiếp tục đeo mặt nạ khi ở trong tiệm làm tóc hay học viện, điều này sẽ là tùy chọn và theo quyết định của mỗi cá nhân. Đối với những khách hàng, họ sẽ hỏi khách hàng khi họ đến xem họ có muốn nhà tạo mẫu/thợ cắt tóc của mình đeo khẩu trang hay không và họ hy vọng rằng mọi người tôn trọng mong muốn của khách hàng, nếu không, họ có thể phân bổ khách hàng cho người khác… Họ cũng tiếp tục yêu cầu bất kỳ ai có các triệu chứng covid hoặc đã tiếp xúc với người bị lây nhiễm, vui lòng liên hệ với bộ phận hỗ trợ về COVID của NHS (National Healthe Service-Hệ thống Y tế Quốc gia) và không đến lớp học hay tiệm.
Khi đại dịch mới xảy ra, trong khi dân chúng các nước Đông Nam và Đông Á trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan…không cảm thấy có vấn đề gì về đeo khẩu trang vì điều đó đã là một thói quen trong cuộc sống, với VN, Trung Quốc cái chính là để ngăn ngừa bụi bặm, ô nhiễm chẳng hạn, thì người dân các nước phương Tây không cảm thấy thoải mái khi phải đeo khẩu trang hay bị hạn chế về tự do cá nhân, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc lây nhiễm khó ngăn chặn giai đoạn đầu, cho đến khi mọi người thay đổi thói quen này. Nhưng mặt khác, các nước phương Tây lại có một chính sách rất nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân.
Tôi từng viết ít nhất là một bài trên blog RFA về chính sách Sức khỏe và An Toàn ở UK. Lúc nào và ở đâu cũng nghe thấy cụm từ “Health and Safety” (Sức khỏe và Sự An toàn). Vương quốc Anh có “Luật về Sức khỏe và Sự An toàn tại nơi làm việc” (Health and Safety at Work Act) rất cẩn thận, chi tiết, và Cơ quan Điều hành An toàn và Sức khỏe (The Health and Safety Executive (HSE) là một cơ quan chính phủ của Vương quốc Anh chịu trách nhiệm khuyến khích, quy định và thực thi sức khỏe, an toàn và phúc lợi tại nơi làm việc cũng như nghiên cứu về các rủi ro nghề nghiệp ở Vương quốc Anh.
Từ trong gia đình, trường học, nơi làm việc, mọi người đều thường xuyên được nhắc nhở, thậm chí phải học về “Health and Safety” tại nơi/ngành mình đang học, đang làm việc. Điều đó tạo cho con người thói quen coi trọng sức khỏe, an toàn cho bản thân và cho cộng đồng. Và dù bất cứ ngành nghề nào cho tới các loại dịch vụ như tiệm làm tóc làm nail, nhà hàng, khách sạn…đều có những nhân viên đi kiểm tra về an toàn theo thời gian cố định và nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn cho người lao động, cho khách hàng thì sẽ bị phạt nặng.
Chính vì vậy, khi đại dịch xảy ra, trừ sự chệch choạc ngắn trong giai đoạn đầu, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực cho tới đa số dân chúng đều tuân thủ theo những hướng dẫn của chính phủ và của ngành y tế để bảo đảm an toàn, không lây lan dịch bệnh. Không có gì khó khăn vì mọi người đã quen với vấn đề bảo vệ sức khỏe và an toàn, nhưng sỡ dĩ dịch bệnh vẫn tăng là vì ngăn chặn coronavirus thì phải khác với các loại vi khuẩn bình thường, và con coronavirus này có sức lây lan cực nhanh trong không khí, lại biến chủng liên tục.
Trong khi đó, điều đáng lo ngại là ngoại trừ việc mang khẩu trang và không có ý kiến gì khi bị nhà nước hạn chế tự do cá nhân, ở VN vấn đề Sức khỏe và An toàn chưa trở thành một ý thức tự giác do được giáo dục từ nhỏ, thành luật lệ chi tiết, được áp dụng và kiểm tra thường xuyên ở bất cứ mọi lĩnh vực, ngành nghề, môi trường nào trong xã hội. Chúng ta vẫn nghe, đọc thấy không biết bao nhiêu cái chết thương tâm do cháy nổ, tai nạn lao động, tai nạn trên đường phố, kể cả tại trường học, hay ngộ độc vì thực phẩm…do sự thiếu an toàn, do thói làm việc tắc trách, cẩu thả, vô lương tâm, hoặc do tham nhũng bớt xén vật liệu làm ra những công trình, nhà cửa kém chất lượng v.v… Ngược lại, những cái chết oan uổng, vô lý như vậy rất hiếm khi xảy ra, dù ở Na Uy, Anh hay ở bất cứ một quốc gia dân chủ phát triển, có luật pháp và coi trọng sinh mạng con người nào khác.
Và do đó khi đại dịch bùng phát, đa số người dân cho tới các cơ sở kinh doanh nhỏ, các loại hình dịch vụ, cũng sẽ chưa có thói quen để bảo vệ mình, bảo vệ nhân viên và khách hàng. Còn nhà cầm quyền cho tới quan chức địa phương, một mặt thì lại đưa ra những chính sách quá hà khắc và thiếu tính khoa học như cách ly tập trung, ngăn sông cấm chợ quá mức, giấy xét nghiệm âm tính chỉ có hiệu lực 3-5 ngày…, nhưng mặt khác, lại để xảy ra những vụ tụ tập đông người như tiếp tục bầu cử, thi cử, ùn tắc kinh hoàng tại chốt kiểm soát chống dịch COVID-19 làm tăng khả năng lây nhiễm, quan chức thì lắm lúc tụ họp vẫn không mang khẩu trang v.v…
Thói quen tốt, chính sách tốt nào cũng phải xây dựng lâu dài. Có nhiều cái mà VN chưa quen, trong đó có những chính sách về bảo vệ sức khỏe và an toàn cho con người hay bảo vệ môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm, hạn chế sự gia tăng của biến đổi khí hậu…chẳng hạn.
Người ở xa những ngày này chỉ biết nhìn về VN và cầu nguyện cho đại dịch đừng qúa nặng nề, cho đồng bào mình không phải chịu nhiều đau khổ, tang tóc vì dịch, đói kém, nợ nần…vì kinh tế bị ảnh hưởng, bởi người Việt mình đã và đang khổ quá nhiều rồi.
Theo: Song Chi RFA