Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, mới đây đã tới Bảo tàng Báo chí ở Hà Nội, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, đồng thời nêu bật vai trò của báo chí tự do.
Cơ quan ngoại giao Anh hôm 3/5 đã đăng tải một video ngắn trên mạng xã hội, trong đó ông Ward nói bằng tiếng Việt rằng ông tới thăm “nơi kể những câu chuyện về lịch sử báo chí tại Việt Nam”.
Nhà ngoại giao này cho biết ông “đặc biệt ấn tượng với chiếc loa phóng thanh được trưng bày tại bảo tàng” vì trong thời chiến nó “có thể truyền tải tin xa tới 10km”.
Đại sứ Ward nói rằng “tự do báo chí được công nhận tại Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam và Điều 19 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên”.
Ông nói thêm: “Một nền báo chí tự do đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng. Báo chí là phương tiện để chia sẻ sáng kiến và thông tin. Báo chí giúp giải phóng năng lượng sáng tạo, thúc đẩy thay đổi tích cực và quyền yêu cầu trách nhiệm giải trình”.
Ông Ward nói tiếp rằng “vương quốc Anh cam kết thúc đẩy tự do báo chí toàn cầu” và “tại Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự để tổ chức các khóa đào tạo báo chí”.
Cũng nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đăng tải một tuyên bố của Ngoại trưởng nước này, ông Heiko Maas, trong đó ông nói rằng “đứng lên và đấu tranh vì một nền báo chí tự do là một nhiệm vụ đối với mỗi chúng ta”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Đức được trích lời nói thêm rằng chúng ta “cần thông tin độc lập và tự do” vì “thiếu nó, các nền dân chủ không thể hoạt động”, và rằng “báo chí không phải là tội phạm” cũng như việc làm báo “không phải chịu cảnh bị đe dọa tính mạng”.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) tháng trước công bố phúc trình, trong đó Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 6 quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới, kèm theo nhận định rằng quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiến hành một làn sóng bắt giam các nhà báo độc lập trong năm qua.
Trong số 180 quốc gia được đánh giá trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF được đưa ra hôm 20/4, Việt Nam xếp hạng 175 và nằm trong nhóm các quốc gia, gồm cả Trung Quốc và Triều Tiên, được coi là có “tình trạng rất tồi tệ” đối với môi trường báo chí.
RSF nói trong thông cáo báo chí rằng Việt Nam “cũng tăng cường sự kiểm soát của mình đối với nội dung mạng xã hội, trong khi tiến hành một làn sóng bắt giữ các nhà báo độc lập hàng đầu trong thời gian chuẩn bị cho kỳ Đại hội được tổ chức 5 năm một lần của Đảng Cộng sản” vào cuối tháng 1 vừa qua.
Tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp, nhắc đến tên bà Phạm Đoan Trang, nhà báo được giải Tự do Báo chí ở hạng mục Tầm ảnh hưởng của RSF năm 2019, trong số những người bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào năm ngoái.
Việt Nam chưa có phản ứng về báo cáo mới nhất của RSF này, nhưng năm ngoái, báo chí trong nước dẫn lời Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nói rằng “đây không phải lần đầu tiên Tổ chức Phóng viên Không biên giới đưa ra những báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và có dụng ý xấu”.
Người phát ngôn này nói thêm rằng “việc Tổ chức Phóng viên Không biên giới tự cho phép xếp hạng tự do báo chí của một quốc gia theo những tiêu chí riêng của họ mà không thực sự hiểu rõ về hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia khiến những đánh giá, nhận định của Tổ chức này không có độ tin cậy, thuyết phục”, theo trang tin Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao.
Theo: VOA Tiếng Việt