Trên căn bản xem mọi người là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội; Trên căn bản không chấp nhận kiểu buộc tội tùy tiện và phi pháp, chỉ phục vụ cho các mục tiêu chính trị của hệ thống tòa án hiện nay, chúng tôi xem những người dân dám lên tiếng và hành xử theo lương tâm của mình mà bị tù đày là những Tù Nhân Lương Tâm (TNLT).
Bản tin kỳ này đặc biệt dành cho các nữ TNLT, những người mẹ, người vợ, người chị, người em đang sống đằng sau song sắt nhà tù, hy sinh hạnh phúc của riêng mình vì số phận của bao người khác.
Xin hãy luôn nhớ đến, nhắc đến và cùng nhau đùm bọc gia đình các nữ TNLT VN.
***************************
Bản tin do đại gia đình Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam thực hiện. Bạn có thể bấm vào đây để coi bản gốc do đại gia đình Tù Nhân Lương Tâm cung cấp. Mọi thông tin, góp ý xin gởi về hộp thư GDTNLTVN@gmail.com
***************************
► Cấn Thị Thêu
Tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, một nhà tranh đấu chống lại cường quyền cướp đất, hôm 5/5/2021, cùng với con trai là anh Trịnh Bá Tư, đã bị Tòa án tỉnh Hòa Bình tuyên án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 BLHS.
Bà Cấn Thị Thêu và hai người con trai là anh Trịnh Bá Phương và anh Trịnh Bá Tư bị bắt ngày 24/6/2020 vì đã mạnh mẽ cảnh báo và loan tải thông tin về sự kiện hàng ngàn công an tấn công vũ trang vào làng Đồng Tâm, sát hại cụ Lê Đình Kình hồi tháng Giêng năm 2020.
Từ nhiều năm qua, bà Cấn Thị Thêu và gia đình đã sát cánh đòi công lý cho dân oan bị mất đất bất chấp nhiều lần bị nhà cầm quyền đàn áp đến độ gây thương tích. Vì những hoạt động đấu tranh này, đặc biệt cuộc giữ đất tại làng Dương Nội năm 2014 và 2016, bà Thêu đã bị bỏ tù hai lần trước đây với tổng cộng 35 tháng tù giam.
Tại phiên tòa ngày 5/5/2021 bà Thêu cho biết đã bị giam chung phòng với người bị nhiễm HIV. Khi người cùng phòng đánh nhau, bà có can ngăn và bị chảy máu. Tuy nhiên trại giam không cho bà đi xét nghiệm lây nhiễm.
Cũng tại phiên tòa này, khi được hỏi họ tên, TNLT Cấn Thị Thêu đã dõng dạc tuyên bố thay cho hàng triệu người Việt Nam đang bị cướp đoạt mọi đường sống: “TÊN TÔI LÀ NẠN NHÂN CỘNG SẢN”.
► Nguyễn Thúy Hạnh
Tù nhân lương tâm Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động xã hội, bị công an TP. Hà Nội bắt giữ ngày 7/4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 BLHS.
Chị Thúy Hạnh là người khởi xướng Quỹ 50K, một quỹ thiện nguyện do cộng đồng chung góp nhằm giúp đỡ các gia đình TNLT. Chị đau nỗi đau của những người bị giam cầm oan ức và hết lòng đùm bọc gia đình họ bên ngoài tù. Chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi nghe tin có người bị bắt. Chị đến tận bệnh viện chăm sóc con cái của TNLT và vô số việc khác.
Không chỉ giới hạn ở việc lo cho các gia đình TNLT, chị Thúy Hạnh còn thường xuyên lên tiếng cho công bằng xã hội, cho quyền con người và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Khi cụ Lê Đình Kình bị thiệt mạng trong vụ 3000 công an tấn công làng Đồng Tâm tháng Giêng năm 2020, chị Thúy Hạnh đã đứng ra tiếp nhận tiền phúng điếu cho đám tang cụ Kình do người dân khắp nơi đóng góp. Tài khoản với số tiền phúng điếu 550 triệu đã bị Bộ công an ra lệnh phong tỏa từ hơn một năm nay.
Vì những hoạt động bác ái này mà chị Thúy Hạnh liên tục bị theo dõi, quấy rối, bị báo đài nhà nước xuyên tạc, bôi nhọ, bị triệu tập lên đồn công an nhiều lần và sau cùng bị bắt giữ.
Đoán biết trước những gì sắp xảy ra, thay vì lo sợ cho mình, chị Thúy Hạnh chỉ tha thiết kêu gọi: Bạn bè lần lượt vào tù, rồi cũng có ngày đến lượt tôi vào đó. Nếu đến lượt mình, tôi chỉ mong mọi người đừng bỏ rơi Quỹ 50K, sẽ có người thay tôi giữ gìn và tiếp nối nó. Đừng bỏ rơi Quỹ 50K, bởi nó là một phần an ủi của các TNLT và người thân của họ.
► Phạm Đoan Trang
Tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, một nhà báo tự do, một blogger và là một nhà hoạt động nhân quyền, bị nhà cầm quyền bắt giữ vào đêm 6/10/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 BLHS.
Việc bắt giữ chị Đoan Trang diễn ra chỉ vài ngày sau khi bản “Báo Cáo Đồng Tâm”, do chị và anh Will Nguyễn đồng biên soạn, được công bố và sau khi Việt Nam và Mỹ tiến hành đối thoại nhân quyền ngày 6/10.
Trước đó, nhà cầm quyền đã dùng nhiều thủ đoạn để dập tắt tiếng nói của chị. Công an đánh chị đến độ một chân bị thương tật suốt đời. Chị phải thường xuyên thay đổi chỗ ở để tránh bị ruồng bắt nhưng vẫn tiếp tục hoạt động liên tục cho mục tiêu nhân quyền cho đến tận giờ phút bị bắt.
Chị Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách về nhân quyền và chính trị như “Chính Trị Bình Dân”, “Phản Kháng Phi Bạo Lực”, “Cẩm Nang Nuôi Tù” và một số ấn phẩm liên quan đến bầu cử, được xuất bản cả trong lẫn ngoài nước. Chị cũng là đồng sáng lập viên Nhà Xuất Bản Tự Do và trang mạng Luật Khoa Tạp Chí.
Dự trù việc mình có ngày sẽ bị bắt, chị kết thúc một bức thư được bạn bè phổ biến ngay sau khi chị bị bắt:
“Tôi không cần tự do cho riêng mình… Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.”
► Nguyễn Thị Tâm
Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Tâm, tức Tâm Dương Nội, bị công an Hà Nội bắt ngày 24/6/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 BLHS.
Chị Tâm là một trong số những bà con Dương Nội bị cướp đất. Chị cùng sống và thấu hiểu nỗi thống khổ của những gia đình nông dân bị tước đoạt phương tiện kiếm sống duy nhất. Chính vì vậy, chị hết lòng giúp đỡ bà con dân oan bằng sự hiểu biết pháp luật của mình. Và không chỉ riêng cho dân oan Dương Nội, nhiều bà con dân oan khắp nơi cũng đã được chị Tâm tư vấn, hướng dẫn điền hồ sơ, giúp tìm luật sư; cũng như được chị động viên tinh thần trong suốt cuộc hành trình khiếu kiện.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Tâm bị bắt ngay trước khi ngày xử phúc thẩm vụ án mà chị là nguyên đơn kiện chính quyền Hà Đông trong vụ tranh chấp đất đai ở Dương Nội kéo dài 12 năm qua.
Trước đây, vào tháng 6 năm 2018 chị Tâm bị bắt giam 5 tháng về tội “gây rối trật tự”.
Bằng tất cả tấm lòng và hành động cụ thể, chị Tâm chỉ mong muốn góp sức mang lại công lý cho các nạn nhân của tệ nạn cướp đất đang hoành hành trên khắp đất nước. Và vì vậy, chị trở thành cái gai nhọn trong mắt những kẻ quyết tâm không trả lại.
► Huệ Như
Tù nhân lương tâm Huệ Như, tức Đặng Thị Huệ, bị bắt ngày 16/10/2019 và bị toà án Nhân Dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội kết án 42 tháng tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Tất cả những ai theo dõi sự việc đều biết rõ chị Huệ chỉ cùng anh Hà Văn Nam và một số anh chị em khác thu thập bằng chứng hoạt động phi pháp của các BOT bẩn ‒ đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá hạn ‒ để yêu cầu nhà cầm quyền can thiệp.
Chị Huệ Như ‒ người mẹ đơn thân với 2 con nhỏ ‒ từng bị công an bắt và đánh đập dã man khi tham gia phản đối BOT bẩn. Chị cũng là người duy nhất dám nộp đơn kiện Bộ trưởng Giao thông vận tải khi ông này ra một quyết định sai trái về BOT Bắc Thăng Long.
TNLT Huệ Như thực hiện nhiều livestream kêu gọi mọi người cùng chung tay đấu tranh phản đối BOT bẩn: “Tôi đòi hỏi quyền lợi cho tôi, không bị ai lựa chọn, kích động, xúi giục. Ai thấy đúng thì ủng hộ. Đừng gọi tôi là anh hùng. Ai có cách khác thì cứ ra đó tự đòi quyền lợi cho mình.”
► Bùi Thị Nối
Tù nhân lương tâm Bùi Thị Nối, một nông dân Đồng Tâm và là con nuôi của cụ Lê Đình Kình, bị tòa án TP. Hà Nội tuyên 6 năm tù giam tại phiên sơ thẩm vào tháng 9 năm 2020 và tuyên y án tại phiên phúc thẩm ngày 9/3/2021 với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 BLHS.
Bà Nối là một trong các nạn nhân của cuộc tấn công vũ trang của 3000 công an vào làng Đồng Tâm vào tháng Giêng năm 2020. Tại phiên phúc thẩm, luật sư đã yêu cầu Hội đồng xét xử làm rõ cơ chế hình thành vết thương, vết đạn bắn trên người của bà Bùi Thị Nối.
Bằng lời lẽ chân chất, bà Nối kêu gọi quan tòa hãy nhìn thẳng vào sự thật một cách trung thực để giúp cho dân. Bà đặt câu hỏi lương tâm cốt lõi cho cả hệ thống nhưng cả phiên tòa chỉ biết im lặng khi bị gặng hỏi 5 lần: “Đảng có giết Đảng không?”.
► Trần Thị Tuyết Diệu
Tòa án tỉnh Phú Yên ngày 23/4/2021 đã kết án cựu phóng viên Trần Thị Tuyết Diệu 8 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 BLHS.
Tù nhân lương tâm Tuyết Diệu là cựu phóng viên Báo Phú Yên nhưng đã bị thu hồi thẻ nhà báo vào tháng Giêng năm 2018. Nhưng chị tiếp tục dùng Facebook và Youtube đào sâu các vụ ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền và nạn tham nhũng của các quan chức.
Chị Tuyết Diệu không nhận tội tại phiên xử và theo Luật sư bào chữa thì có lẽ đó là lý do bị tuyên mức án 8 năm.
Sau khi tòa tuyên án, mẹ của chị Tuyết Diệu đã nghẹn ngào bày tỏ: “Con gái tôi nhỏ nhoi chỉ ba mươi mấy ký một mình nó chống một cậu dân phòng còn chưa nổi làm sao chống được Nhà Nước có đầy đủ các ban ngành, có hỏa tiễn, máy bay tàu ngầm xe tăng súng đạn.”
Thật vậy, người phóng viên gầy nhỏ này lại có tiếng nói lương tâm vang dội, đủ làm rúng động những kẻ đang ngồi trên những núi tài sản bất chính.
► Lê Thị Bình
Tù nhân lương tâm Lê Thị Bình, tức Ngọc Lan Cần Thơ, bị bắt vào tháng 12/2020. Tòa án Thành phố Cần Thơ ngày 22/4/2021 đã tuyên án chị Lê Thị Bình 2 năm tù giam với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo Điều 331 BLHS.
Chị Lê Thị Bình, với nick Facebook là Ngọc Lan CT, được cộng đồng biết đến qua việc thường xuyên tố giác những việc làm sai trái của nhà cầm quyền đối với dân. Nhưng chị cũng thực hiện nhiều việc từ thiện ít ai biết: chị tự bỏ tiền túi chở nước ngọt đến tặng bà con tại các khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị hạn mặn; chị đi phát khẩu trang miễn phí cho nhiều người dân tại hai thành phố Cần Thơ và Vĩnh Long khi dịch Covid-19 vừa bùng lên; chị đi phát gạo và nhu yếu phẩm cho bà con nghèo tại Sóc Trăng bị ảnh hưởng kinh tế trầm trọng vì COVID-19; và nhiều việc từ thiện lớn, nhỏ khác.
Việc giam cầm TNLT Ngọc Lan chỉ cho thấy những người cầm quyền không cần biết người dân sống khổ sở thế nào mà chỉ sợ những người như chị Ngọc Lan có quá nhiều ảnh hưởng.
► Nhóm Nữ Tù Nhân Trại An Phước
Nhóm nữ TNLT ở đây có khoảng 10 người. Tất cả đều thuộc Đội 18 và được quản lý biệt riêng với các tù nhân bình thường. Tình trạng chung là tất cả các chị trong Đội 18 đều bị bóc lột sức lao động trầm trọng.
Công việc hàng ngày của Đội 18 là dán giấy vàng mã để xuất khẩu sang Đài Loan. Nhóm Đội 18 phải làm tại hội trường kín gió, rất nóng nực, mùi của các hóa chất nồng nặc. Trong khi đó, các đội tù nhân bình thường khác được làm ở một nơi có gió thông thoáng. Giờ giấc và chỉ tiêu sản phẩm cũng không quá khắt khe, nghiêm nhặt như đối với Đội 18.
Được biết giấy vàng mã làm từ rác xay ra thành bột. Trong rác còn các bao cao su, kim chích, miểng chai rất độc hại và nguy hiểm. Đó là chưa kể các hoá chất nặng mùi, không tên mà các tù nhân bị buộc sử dụng.
Thế giới, đặc biệt là chính phủ Đài Loan, cần được biết về những sản phẩm do các TNLT bị cưỡng bách lao động này.
► Đinh Thị Thu Thủy
Tù nhân lương tâm Đinh Thị Thu Thủy, một Thạc sĩ ngành nuôi trồng thủy sản, bị bắt ngày 18/4/2020. Sau đó, chị bị tòa án tỉnh Hậu Giang hôm 21/1/2021 tuyên án 7 năm tù giam về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 BLHS.
Là người quan tâm đến xã hội, chị thường xuyên chia sẻ thông tin trên Facebook về các vấn nạn giáo dục, môi trường và đề nghị nhiều giải pháp với mong muốn xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Đặc biệt, khi cả nước phẫn nộ về việc nhà cầm quyền Việt Nam chuẩn bị cho Trung Quốc thuê ba đặc khu, chị đã nhập dòng cùng hàng ngàn người biểu tình phản đối Luật đặc khu kinh tế vào mùa hè năm 2018.
Ngày 1/2/2021 chị Thu Thủy đã phải nhập viện sau khi ngất xỉu trong phòng giam do điều kiện giam giữ tồi tệ.
Tại phiên xử ngày 21/1/2021, TNLT Thu Thủy khẳng định: “Tất cả việc tôi làm đều xuất phát từ con tim của một người yêu nước, từ một tấm lòng của người mẹ. Tôi yêu quê hương, đất nước. Từ lúc có con tôi yêu con tôi, càng thêm yêu đồng bào và quê hương, đất nước mình. Tôi chỉ muốn cho đất nước được tốt lên, môi trường xã hội và môi trường giáo dục được minh bạch, lành mạnh, các dòng sông quê tôi không bị đầu độc, bức tử, người dân không phải dùng thực phẩm bẩn.”
► Huỳnh Thị Tố Nga
Tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga, một cử nhân xét nghiệm y khoa 38 tuổi và mẹ của hai con nhỏ, được cộng đồng mạng biết tới qua bút danh “Selena Zen”, “Diệu Hằng”. Chị phân tích ngọn nguồn các vấn nạn xã hội, lên án những vi phạm quyền con người, và vạch trần tệ nạn tham nhũng của các quan chức.
Những kẻ cầm quyền trả thù chị Tố Nga bằng bản án 5 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 BLHS. Anh trai của chị là Huỳnh Thanh Tâm cũng bị tuyên án 9 năm tù giam với cùng cáo buộc.
Chị Tố Nga là một người mẹ đầy tình thương cho con. Tình thương của chị dành cho con không chỉ qua việc nuôi nấng mà còn qua những trăn trở về tương lai của các thế hệ sắp tới. Chị mong muốn thế hệ con mình phải được lớn lên trong một xã hội lành mạnh.
Và cũng chính vì vậy mà khi có người khuyên chị Tố Nga hãy ngừng viết kẻo ảnh hưởng không tốt đến bản thân và gia đình, chị chỉ bình thản trả lời: “Ai cũng bảo toàn thì ai làm!?”
► Nguyễn Thị Ngọc Sương
Tù nhân Lương tâm Nguyễn Thị Ngọc Sương, có hộ khẩu tại Đồng Nai, đã bị Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên án 5 năm tù theo Điều 117 BLHS vì đã tham gia biểu tình và phát tán tài liệu chống Luật đặc khu.
Chị Sương có bệnh gan và thận rất nặng, da vàng như nghệ và thường xuyên bị phù thũng, ăn uống rất khó khăn. Chị đã nhiều lần xin được đưa đi bệnh viện thành phố để có thuốc đặc trị nhưng không được chấp thuận.
► Vũ Thị Dung
Tù nhân lương tâm Vũ Thị Dung bị Toà án Nhân dân TP. HCM tuyên án 6 năm tù giam theo điều luật 117 vì đã phát tán truyền đơn chống Luật đặc khu.
► Hoàng Thị Thu Vang
Tù nhân lương tâm Hoàng Thị Thu Vang bị Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên án 7 Năm tù về tội danh “phá rối an ninh” cùng với 7 người khác trong vụ án “nhóm Hiến pháp” theo Điều 118 BLHS.
► Nguyễn Thị Bích Vân
Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Bích Vân bị Tòa án Nhân dân TP. HCM kết án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế vì cáo buộc tham gia nhóm Triều Đại Việt.
► Trương Thị Trang
Tù nhân lương tâm Trương Thị Trang là giáo viên ở tỉnh Hậu Giang. Ngày 22/9/2020 chị Trang bị Toà án Nhân dân TP. HCM xử 3 năm tù giam, 2 năm quản chế vì là thành viên của nhóm Triều Đại Việt.
► Trần Thị Thu Hạnh
Tù nhân lương tâm Trần Thị Thu Hạnh cư ngụ tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ngày 22/9/2020 chị Thu Hạnh bị Toà án Nhân dân TP. HCM xử 3 năm tù giam 2 năm quản chế vì cáo buộc là thành viên của nhóm Triều Đại Việt.
► Trần Thị Ánh Hoa
Tù nhân lương tâm Trần Thị Ánh Hoa nhà ở Long Khánh, không có chồng con, ăn chay trường. Ngày 6/7/2020 chị bị Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xử 6 năm tù giam với cáo buộc tham gia tổ chức phản động.
► Nguyễn Thị Ngọc Hạnh
Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Ngọc Hạnh thuộc “nhóm Hiến pháp”. Chị bị Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên án 8 năm tù giam và 2 năm quản chế với cáo buộc “phá rối an ninh” theo Điều 118 BLHS.
Chị Hạnh là mẹ đơn thân. Con trai của chị bị suyễn bẩm sinh, hiện đang ở với bà ngoại.
Bản tin do đại gia đình Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam thực hiện. Mọi thông tin, góp ý xin gởi về hộp thư GDTNLTVN@gmail.com